Cần Thơ: Hiệu quả từ đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp

Thứ năm, 05/12/2019 15:35
(ĐCSVN) - Các mô hình sản xuất lúa đã được thực hiện bằng cơ giới hóa khâu gieo cấy nhằm vận động nông dân áp dụng để giảm giống, công lao động và áp dụng tiến bộ kỹ thuật giảm chi phí trong sản xuất lúa, tăng lợi nhuận.
leftcenterrightdel

Thu hoạch lúa bằng cơ giới giúp giảm đáng kể thất thoát.

(Ảnh: Báo Cần Thơ)

Thông qua Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững được triển khai ở TP.Cần Thơ, từ năm 2016 địa phương này đã triển khai nhiều hoạt động đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, giúp nông dân xây dựng các mô hình giảm giống gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Dự án nói trên đã hỗ trợ nông dân trồng lúa tại nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác và “cánh đồng lớn”, thực hiện giảm lượng sử dụng giống bằng nhiều phương thức xuống giống khác nhau như sạ bằng dụng cụ kéo hàng, máy phun hạt, máy cấy.

Các mô hình sản xuất lúa đã được thực hiện bằng cơ giới hóa khâu gieo cấy nhằm vận động nông dân áp dụng để giảm giống, công lao động và áp dụng tiến bộ kỹ thuật giảm chi phí trong sản xuất lúa, tăng lợi nhuận. Kết quả tại nhiều mô hình sản xuất cho thấy, gieo sạ bằng máy lợi nhuận cao hơn so với sạ tay từ 3,7 đến 16,3 triệu đồng. Với cơ chế phối hợp liên vùng, khâu cắt gặt đã được cơ giới hóa hoàn toàn. Tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hóa khâu chăm sóc bón phân, phun thuốc trừ sâu, bệnh… đạt từ 50% đến 60%.  

Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật TP.Cần Thơ (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mới đây, Chi cục đã tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ nông dân tại Hợp tác xã nông nghiệp Thịnh Phát ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh thực hiện mô hình trình diễn cơ giới hóa trong gieo cấy, với diện tích hơn 6ha, trong đó có hơn 2ha áp dụng phương pháp cấy máy, 2ha sạ hàng và 2ha sạ thưa bằng máy phun hạt. Nông dân được hỗ trợ 100% chi phí tiền gieo mạ, công cấy và phân bón trong vụ lúa, phân bón do Công ty cổ phần phân bón Bình Điền tài trợ. Ngoài ra, ngành chức năng và các đơn vị cũng cập nhật, cung cấp kịp thời các thông tin về máy cấy, hiệu quả đầu tư máy cấy, cách thức tham gia làm dịch vụ cấy máy... để nông dân tự tin áp dụng vào việc sản xuất.

Trong năm 2019, ngành nông nghiệp TP.Cần Thơ cũng đã triển khai thí điểm 9 mô hình cơ giới hóa ở 2 huyện trong điểm trồng lúa gạo lớn như Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ. Bình quân mô hình triển khai là 0,5 ha/mô hình, có trên 270 nông dân tham gia. Nông dân bước đầu tham gia ứng dụng tại ruộng nhà trước tiên là giảm mật độ sạ, bón phân cân đối theo nhu cầu của cây lúa nên dịch hại sẽ giảm. Đặc biệt trong canh tác lúa giảm chi phí sản xuất nhất là chi phí thuốc bảo vệ thực vật và phân bón nhằm tăng lợi nhuận trong quá trình sản xuất của người nông dân trên cùng một đơn vị diện tích.

Được biết, bên cạnh việc cơ giới hóa cho cây lúa ở TP.Cần Thơ, địa phương này còn áp dụng cơ giới hóa vào các cánh đồng rau màu và cây ăn trái, qua đây, giúp người nông dân tiết kiệm được ngày công, chi phí… trong khâu làm đất, chăm sóc và thu hoạch. Tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố như: Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Phong Điền... đã có hàng trăm ha trồng cây ăn trái được nông dân lắp đặt các hệ thống tưới phun tự động.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật TP.Cần Thơ cho biết thêm, những năm gần đây sản xuất nông nghiệp thường gặp khó do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy sản xuất nông nghiệp phải đổi mới theo hướng công nghệ và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất để giảm giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm.

Theo Tiến sĩ Trương Chí Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Yanmar tại TP.Cần Thơ, ngành nông nghiệp Cần Thơ cần tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa và bón phân, xịt thuốc. Đặc biệt, nếu tăng cường cấy lúa bằng máy cấy kết hợp với áp dụng phương pháp bón phân chôn vùi có thể tiết kiệm rất nhiều chi phí bởi chỉ cần sử dụng 30-40kg lúa giống/ha và giảm hơn 1/3 lượng phân bón sử dụng so với hiện nay.

Lượng phân bón sử dụng càng được tiết kiệm hơn khi sử dụng phân tan chậm bón chôn vùi. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cơ giới hóa các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác ngoài lúa như cây trồng cạn, cây lâu năm, chăn nuôi và thủy sản để giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực