Cần xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức đối với từng dự án đội vốn

Thứ sáu, 25/05/2018 20:15
(ĐCSVN) - Tại cuộc Họp báo chuyên đề về tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính tổ chức chiều 25/5, nhiều vấn đề liên quan đến việc các dự án đầu tư công bị đội vốn, tăng vốn rất nhiều so với mức đầu tư ban đầu cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý đã được đưa ra và làm rõ.
Hình ảnh tại buổi Họp báo (Ảnh:M.P)

Theo ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), pháp luật về đầu tư và xây dựng hiện hành (Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng) đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp trong lập, thẩm định và quyết định đầu tư dự án; đồng thời cũng quy định rõ điều kiện được điều chỉnh dự án. Đối với đầu tư công, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND là người quyết định đầu tư.

Do vậy, quá trình thực hiện nếu có điều chỉnh không đúng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc chủ đầu tư, cơ quan thẩm định và người phê duyệt điều chỉnh; các cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ông Lê Tuấn Anh cũng cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc "đội vốn", cả khách quan và chủ quan. Với các nguyên nhân khách quan theo luật định thì việc điều chỉnh dự án và tăng vốn là cần thiết. Đối với các nguyên nhân chủ quan cần có phân tích, đánh giá cụ thể đối với từng dự án để xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện, từ đó quy đúng trách nhiệm. Song nhìn chung, là do chất lượng khâu lập dự án ban đầu kém, dự án được lập sơ sài, thiếu thực tế (khảo sát, lập dự án). Chất lượng thẩm định không cao hay như khâu tổ chức thực hiện không đồng bộ dẫn đến kéo dài thời gian (giải phóng mặt bằng chậm, vốn bố trí không đủ, nhà thầu không đủ năng lực, thi công kéo dài...); hay thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, thực hiện của các cấp quản lý, theo dõi và thực hiện.

Thời gian gần đây, các dự án đầu tư công bị đội vốn nghìn tỷ được đưa ra khá nhiều, điển hình như: Dự án nạo vét xây kè sông Sào Khê (Ninh Bình) được điều chỉnh tăng 36 lần, từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đồng; dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) ban đầu chỉ có mức đầu tư 1.850 tỷ đồng nhưng sau một thời gian thì đội thêm hơn 2.500 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư lên 4.400 tỷ đồng, nhưng dự án vẫn thi công ì ạch và liên tiếp xin gia hạn.

Việc đội vốn khủng đã khiến cho ngân sách nhà nước vốn đã khó khăn càng khốn khó hơn khi nguồn thu ngân sách cũng ngày càng hạn chế, trong khi các nguồn vốn đi vay nợ nước ngoài cũng dần phải tiến tới cơ chế trả lãi theo thị trường, hết thời được ưu đãi.

Vậy giải pháp nào để chặn được tình trạng đội vốn dự án đầu tư công? Theo ông Tuấn Anh thì phải tăng cường phản biện độc lập trong lựa chọn, quyết định đầu tư, đồng thời giám sát, kiểm tra nghiêm túc, có chế tài xử lý mạnh và ngay các dự án đội vốn.

Một vấn đề khác được đưa ra tại cuộc Họp báo là việc chi ngân sách. Theo dự toán chi NSNN năm 2018, cơ cấu chi đầu tư phát triển chiếm 26,2%, chi trả nợ lãi chiếm 7,39%, chi thường xuyên chiếm 61,76%. Đáng lưu ý, trong thực tế, thực chi luôn cao hơn dự toán còn phổ biến?

Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước cho rằng, đó là “vấn đề muôn thuở”. Tình trạng chi vượt định mức, chi sai, ngoài nguyên nhân do hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ vẫn còn bất cập, thì còn do vấn đề về nhận thức, chưa có tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tiết kiệm kinh phí NSNN, tài sản công. Chủ trương giao quyền tự chủ về mặt tài chính cho các cơ quan, đơn vị, một mặt tạo thuận lợi, nhưng mặt khác thanh, kiểm tra chưa sát nên vẫn có vi phạm xảy ra.

Trong thời gian tới, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, xu hướng trao quyền chủ động, tự chủ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công sẽ tiếp tục được triển khai, nhưng đi kèm theo đó sẽ là yêu cầu trách nhiệm quản lý, trách nhiệm giải trình cao hơn từ thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương và từng cán bộ, công chức trực tiếp có liên quan. Kèm theo đó là vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của các cơ quan dân cử và của người dân đối với việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.  

Để tạo điều kiện cho việc giám sát, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn đã bổ sung thêm các quy định về trách nhiệm thực hiện công khai ngân sách nhà nước, từ khâu dự toán, đến khâu tổ chức điều hành và quyết toán ngân sách nhà nước ở tất cả các cấp ngân sách và các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực