Cập nhật thông tin triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thứ năm, 20/09/2018 00:18
(ĐCSVN) – Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thể hiện rõ ý nghĩa và chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách thiết thực, thực chất và phù hợp với yêu cầu phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế của Chính phủ.

Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo thông tin về tình hình triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm cập nhật tiến độ kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương diễn ra ngày 19/9, tại Hà Nội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Hội thảo tại diễn đàn trao đổi, tìm kiếm giải pháp để triển khai hiệu quả Luật hơn trong cuộc sống (Ảnh: HNV)

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật. Từ đó, đề xuất kiến nghị, giải pháp để giúp đẩy mạnh tiến độ và nâng cao hiệu quả công tác triển khai Luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, hiện nay ở Việt Nam, xét về quy mô lao động thì khoảng 98 % trong tổng số hơn 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong khai thác các thị trường ngách và huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư nhỏ của xã hội để phục vụ cho phát triển kinh tế. Ngay cả trong những thời kỳ khó khăn, các doanh nghiệp khu vực này vẫn nỗ lực duy trì tỷ lệ đóng góp cao cho nền kinh tế, xã hội.

Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thể hiện rõ ý nghĩa và chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách thiết thực, thực chất và phù hợp với yêu cầu phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế của Chính phủ. Mục tiêu tổng quát là làm sao hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời từ lúc tham gia đến lúc rút khỏi thị trường và hướng tới việc có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020.

Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chiếm số lượng lớn ở nước ta (Ảnh minh họa: HNV)

Cũng tại Hội thảo, Phó cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Hoa Cương cho biết, hiện nay, khu vực kinh tế ngoài nhà nước mà trong đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò chủ đạo đóng góp khoảng 48% GDP và tạo ra hơn 50% việc làm cho xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các Bộ, ngành khác đã tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật, nhấn mạnh tác dụng và quyền lợi các đơn vị sẽ được thụ hưởng trong quá trình hoạt động... Luật đã có hiệu lực từ đầu năm nay và góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản, quy định pháp lý cũng như nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

Thực tế hai năm gần đây, hoạt động đăng ký thành lập doanh nghiệp tăng nhanh, từng bước hình thành làn sóng khởi nghiệp trên diện rộng, khai thác tốt hơn nguồn vốn trong dân chúng. Riêng 8 tháng năm 2018 đã có hơn 87.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Tuy nhiên, thực trạng doanh nghiệp vẫn còn bộc lộ một số vấn đề, tồn tại cần khắc phục; đó là, tình trạng manh mún, thiếu liên kết giữa các đơn vị, chậm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt là tâm lý chưa sẵn sàng chuyển đổi thành doanh nghiệp của các hộ kinh doanh do lo ngại các thủ tục về thuế cũng như sự phức tạp do tuân thủ quy định pháp luật khi là đã trở thành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện cụ thể tại các địa phương cũng còn những bất cập, chưa đồng đều hoặc nội dung hỗ trợ chưa thật sự hấp dẫn...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Luật đặc biệt quan tâm, khuyến khích thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhằm thúc đẩy, nhân lên mô hình, nhân tố mới. Đồng thời, kích đẩy tăng trưởng kinh tế và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa là một động lực quan trọng. Tiếp theo, Chính phủ tiếp tục kêu gọi, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, các hỗ trợ sẽ tập trung vào những nội dung thiết thực như phí thuế, hỗ trợ tư vấn, pháp lý, sở hữu trí tuệ, bản quyền, đào tạo nhân lực.

Trong khi đó, theo đại diện Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tham gia ý kiến, đề xuất những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể, theo chỉ đạo của Chính phủ. Một số nội dung nhằm vào mục đích hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm phí, chi phí cho doanh nghiệp trong đăng ký thành lập mới hoặc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; áp dụng hóa đơn điện tử miễn phí đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi từ hộ gia đình đồng thời sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp thông qua dịch vụ từ các đại lý thuế và nghiệp vụ kế toán...

Tới đây, nhằm tăng cường hiệu quả, đưa Luật đi vào cuộc sống trên diện rộng và gia tăng mức độ thụ hưởng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình để hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất, ngày càng hiệu quả hơn. Đặc biệt, sẽ tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, chủ động phối hợp cùng các bộ khác trong kết nối thông tin, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật trong thu nhận xử lý thông tin, bảo đảm thông tin đầu vào chính xác, kịp thời qua các công đoạn, cơ quan liên quan...

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực