Chỉ rõ trách nhiệm của việc cổ phần hóa DNNN chậm

Thứ sáu, 09/08/2019 09:12
(ĐCSVN) -" Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước".
Hình ảnh tại Diễn đàn. (Ảnh:M.P)

Đó là đánh giá của ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tại Diễn đàn “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước” do Cục Tài chính doanh nghiệp tổ chức, sáng 8/8.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, cơ chế, chính sách về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được hoàn thiện nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước, tạo thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng. Đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Tiến cũng thẳng thắn nhìn nhận, tiến độ triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch và gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Đến nay, mới hoàn thành cổ phần hóa 35/127 doanh nghiệp, đạt 27,5% danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 991; hoàn thành bán vốn nhà nước tại 88/403 doanh nghiệp, đạt 21,8% danh mục doanh nghiệp hoàn thành thoái vốn giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg.

Ông Đặng Quyết Tiến chỉ rõ nguyên nhân, đó là do một số bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triền khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chưa chấp hành chế độ báo cáo.

Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.

Ngoài ra, tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.

Một nguyên nhân nữa được ông Tiến đưa ra là việc chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

“Việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC còn chậm, chưa đảm bảo kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này”, ông Tiến cho hay.

Tại diễn đàn, đại diện SCIC đã đưa ra hàng loạt kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và thoái vốn nhà nước, trong đó ưu tiên nhất là cần tạo môi trường để tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động kinh doanh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Ông Nguyễn Như Quỳnh, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng đưa ra đánh giá, các chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán (TTCK), trong đó dễ thấy nhất là giúp rút ngắn thời gian giao dịch cổ phần IPO (chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng); hạn chế tình trạng doanh nghiệp chây ì, né tránh việc niêm yết, đăng ký giao dịch sau cổ phần hóa, tạo niềm tin cho nhà đầu tư mua cổ phần, theo đó hoạt động đấu giá cổ phiếu sôi động hơn.

Đồng thời góp phần tăng quy mô, thanh khoản TTCK, đưa phương thức đấu giá IPO ở Việt Nam đến gần với thông lệ quốc tế; tăng cường khả năng huy động vốn; công khai minh bạch thông tin, đổi mới về quản trị…Và phần lớn các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa một thời gian đều có kết quả hoạt động tốt.

Cũng theo ông Quỳnh, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa là trụ cột của TTCK Việt Nam. Nếu tính riêng số doanh nghiệp niêm yết thì hiện có đến 162 doanh nghiệp nhà nước, chiếm 44%, còn trên thị trường Upcom thì có đến 457 doanh nghiệp cổ phần hóa, chiếm 54%.

Đại diện lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng đề xuất một số kiến nghị nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước như: tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; có biện pháp đôn đốc và xử lý nghiêm đối với những DNNN cổ phần hóa từ trước đây nhưng vẫn chưa đưa cổ phiếu lên UPCoM (thị trường công ty đại chúng chưa niêm yết).

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần có các giải pháp nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường UPCoM. Cùng với đó là phải nâng cao tính công khai, minh bạch và chất lượng hoạt động, quản trị của DNNN cổ phần hóa./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực