Chia sẻ giá trị chung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững

Thứ sáu, 25/01/2019 18:49
(ĐCSVN) - Hội thảo “Tạo xu hướng - Dẫn dắt thay đổi” 2019 khẳng định tính cần thiết trong nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay; việc thúc đẩy các hoạt động từ thiện và chia sẻ giá trị chung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.
Các diễn giả tại Hội thảo (Ảnh: P.V)

Hội thảo diễn ra ngày 23/1 tại Thành phố Hồ Chí Minh, do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Phòng thương mại châu Âu (EuroCham), Quỹ  Đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF) và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế (SCI) phối hợp tổ chức, tập trung vào chủ đề “Thúc đẩy từ thiện phát triển cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt tập trung vào việc xây dựng các mô hình doanh nghiệp thân thiện với trẻ em”.

Tham dự Hội thảo có hơn 40 đại diện MSD, EuroCham, VIGEF và SCI, cũng như các diễn giả quốc tế và đại diện các tổ chức xã hội và các cơ quan báo chí quan tâm đến chủ đề của Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD chia sẻ: "Trên thực tế, từ thiện phát triển, cùng với xu hướng phát triển của xã hội, gắn bó mật thiết với doanh nghiệp. Thay vì nghĩ rằng “Khi nào doanh nghiệp lớn thì mới tham gia từ thiện phát triển”, hãy nghĩ ngược lại “Hãy đặt từ thiện phát triển, chia sẻ giá trị vào trung tâm chiến lược của doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, năng lực cạnh tranh, văn hoá và phát triển lớn mạnh”. 

Nói về từ thiện phát triển và xu hướng từ thiện phát triển tại châu Á, bà Mehvesh Mumtaz Ahmed - Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm xã hội và hoạt động cộng đồng châu Á (CAPS) nhấn mạnh “Từ thiện phát triển được xem là một nguồn lực lớn dành cho các tổ chức làm về phát triển ở châu Á, mà ở đó chính bản thân các tổ chức cần chứng minh được năng lực thực sự của mình”.

Theo khảo sát của CAPS, chỉ số đóng góp cho xã hội của các doanh nghiệp tại Nhật Bản, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) xếp ở mức “thực hiện tốt” hay rất tốt bởi ở các quốc gia này có sự khuyến khích từ phía Chính phủ. Ví dụ như ở Singapore có chính sách khấu trừ thuế là 250%, đồng nghĩa với việc nếu doanh nghiệp đóng góp 1 đô la, doanh nghiệp có thể nhận lại 2,5 đô la.

Cũng theo kết quả của khảo sát này, cùng với Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Srilanka và Thái Lan, Việt Nam là một trong những quốc gia đang thực hiện tốt từ thiện phát triển.

Về chủ đề “Chia sẻ giá trị để phát triển doanh nghiệp bền vững”, các đại biểu đã thảo luận, bàn về sự khác biệt giữa từ thiện phát triển và từ thiện nhân đạo cũng như tại sao từ thiện phát triển lại trở thành xu hướng, giúp doanh nghiệp chuyển từ CSR sang CSV để phát triển bền vững.

Bà Mehvesh cho biết “cả từ thiện phát triển và từ thiện nhân đạo đều giống nhau ở việc giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, nếu như ai cũng có thể cho, làm từ thiện nhân đạo thì từ thiện phát triển cần có chiến lược lâu dài”.

Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch EuroCham cũng đưa ra một ví dụ hình ảnh về sự khác nhau giữa hai loại hình này chính là việc cho “con cá” hay cho “cần câu”. Từ thiện nhân đạo chính là việc cho “con cá”; còn từ thiện phát triển là việc cho “cần câu”. Ông Tomaso cũng cho biết thêm các doanh nghiệp của EuroCham cũng tham gia vào các hoạt động xã hội như: việc giảm rác thải ở các doanh nghiệp. Đó vừa giúp nâng cao nhận thức cộng đồng và giải quyết vấn đề việc làm. Các doanh nghiệp cũng đã có quỹ để trả lương cho những người làm công việc phân loại rác. 

Xung quanh nội dung từ thiện phát triển và xây dựng mô hình doanh nghiệp thân thiện với trẻ em, bà Nazia Ijaz - Chuyên gia Hợp tác doanh nghiệp tại UNICEF Việt Nam đã khẳng định “Trẻ em liên quan tới mọi doanh nghiệp. Doanh nghiệp vừa có trách nhiệm, vừa có lợi ích khi trở thành các doanh nghiệp thực hiện tốt quyền trẻ em. Quyền trẻ em trong nguyên tắc kinh doanh rất đa dạng chứ không chỉ là vấn đề lao động trẻ em hay an toàn lao động. Đó còn là việc doanh nghiệp có các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động ảnh hưởng tới trẻ em. Doanh nghiệp thực hiện tốt quyền trẻ em sẽ tạo lập được giá trị thương hiệu và niềm tin, mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp. Đây là xu hướng phát triển trở thành triết lý kinh doanh của doanh nghiệp trên toàn thế giới".

Tại hội thảo, ông Lê Quang Vinh, CEO NexEdu, đại diện nhóm khảo sát cũng đã chia sẻ kết quả ban đầu của khảo sát “Doanh nghiệp thân thiện với trẻ em” do MSD và SCI phối hợp thực hiện trong năm 2018.  Một điểm đáng lưu ý, khảo sát chỉ ra rằng doanh nghiệp rất quan tâm tới vấn đề trẻ em khi có tới 91% doanh nghiệp tham gia khảo sát từng thực hiện các chương trình liên quan đến trẻ em, tuy nhiên, chưa tới 50% các doanh nghiệp vận dụng các nguyên tắc kinh doanh gắn với quyền trẻ em của UNICEF. Một điểm đáng lưu tâm nữa là rất nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm tới các chương trình bảo đảm quyền trẻ em khi sản phẩm và dịch vụ của họ không liên quan tới trẻ em.  

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào giáo dục đối với sự phát triển của đất nước. Để có thể phát triển giáo dục trong thời gian tới, cần phát triển mô hình giáo dục 3 NHÀ: Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà trường. Ông cũng cho biết, riêng đối với Quỹ, một tổ chức phi lợi nhuận, cũng tự vận động, tự xây dựng quỹ cho tổ chức mình để quay lại hỗ trợ cho các đối tượng hưởng lợi khác. Do đó, cần có sự hợp tác, phối hợp với doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án của Quỹ./.

HNV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực