Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về tài chính nông nghiệp, nông thôn vì người nghèo

Thứ tư, 05/09/2018 15:56
(ĐCSVN) – Đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế là các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tài chính, tín dụng, các nhà nghiên cứu đã cùng nhau tham gia một diễn đàn quan trọng để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về tài chính nông nghiệp, nông thôn vì người nghèo.

Ngày 05/9/2018, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Quốc tế “Những thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo - Kinh nghiệm của Việt Nam”. Hội thảo do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với Hiệp hội tín dụng Nông nghiệp nông thôn châu Á - Thái Bình Dương (APRACA), Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) tổ chức.

Thực tế, trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, nông nghiệp được coi là nền móng cho sự phát triển của nền kinh tế và việc phát triển một thị trường tài chính nông thôn là rất quan trọng. Tài chính nông nghiệp nông thôn là việc cung cấp các sản phẩm tài chính bao gồm tiết kiệm hoặc gửi tiền, thanh toán và chuyển tiền, tín dụng và bảo hiểm; trong đó hoạt động tín dụng phải giữ vai trò nòng cốt để tạo nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Các diễn giả trao đổi tại Hội thảo (Ảnh: HNV)

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, thời gian vừa qua, NHNN Việt Nam đã rất chú trọng đến việc phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ tín dụng nông thôn phát triển, nâng cao năng lực của các định chế tài chính, nhất là các định chế tài chính hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, kêu gọi các nguồn vốn nước ngoài cho vay trong lĩnh vực này...

Đối với người nghèo ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ có nguồn vốn để phát triển sản xuất đã được Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm từ nhiều thập kỷ nay. Việt Nam được quốc tế công nhận là quốc gia sớm thực hiện thành công Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về phát triển bền vững, về xóa đói giảm và phát triển con người. Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam từ mức rất cao trên 58% (năm 1993) đã giảm xuống còn 6,7% (năm 2017). Có được bước phát triển trên là do sự hỗ trợ về mặt chính sách, vốn của Chính phủ, của NHNN Việt Nam. Trong những năm qua, NHNN Việt Nam đã tổ chức xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Chính phủ Việt Nam ban hành và triển khai chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách tín dụng liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và giảm nghèo...

Cũng dịp này, ông Đào Minh Tú bày tỏ tin tưởng Hội thảo lần này không chỉ mở ra cơ hội trao đổi hợp tác mà còn khẳng định niềm tin và sự cam kết cho mối quan hệ mang tính chiến lược giữa các thành viên trong tổ chức APRACA. Qua đây, ta thấy được vai trò quan trọng của tài chính nông thôn và nông nghiệp dành cho người nghèo trong phát triển kinh tế.

Đồng hành trong hành trình giúp người nghèo vươn lên phát triển kinh tế, luôn có sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành Ngân hàng, trong đó có NHCSXH. Thống kê cho thấy, hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH đã thu được những thành tựu nổi bật, tập trung huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Cụ thể: Đến hết tháng 6/2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 189.105 tỷ đồng; Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 181.768 tỷ đồng, với hơn 6,7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, trong đó tỷ trọng tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tới 94% tổng dư nợ.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo (Ảnh: Trần Việt)

Cùng với đó, NHCSXH xây dựng và tổ chức thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù của Việt Nam thông qua việc ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội giúp đưa vốn tín dụng chính sách đến tận tay và đúng đối tượng thụ hưởng với chi phí thấp nhất và đạt chất lượng tín dụng cao nhất với tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,81%. Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội với vai trò vừa là người giám sát, vừa làm ủy thác một số nội dung công việc trong nghiệp vụ tín dụng. Với phương thức này hoạt động tín dụng ngân hàng không còn là công việc riêng của ngành ngân hàng mà đã từng bước được xã hội hóa - tạo điều kiện cho chính quyền, ngân hàng, các tổ chức chính trị - xã hội nhất là cấp cơ sở thường xuyên tiếp cận với nhân dân. Tín dụng chính sách thực sự đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ khách hàng, tín dụng xanh và tín dụng có trách nhiệm xã hội cao.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng khẳng định, NHCSXH đang là ngân hàng có độ bao phủ rộng lớn trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, đảm bảo cho khách hàng ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng. Với 63 chi nhánh cấp tỉnh, 630 phòng giao dịch cấp huyện, 10.962 điểm giao dịch được mở tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn trong cả nước và 183.332 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, ấp, bản trên toàn quốc. Điểm giao dịch xã góp phần tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với người nghèo, tiết giảm chi phí giao dịch và thời gian đi lại của khách hàng. Ngoài ra, NHCSXH còn triển khai sản phẩm tiết kiệm dân cư tại Điểm giao dịch xã; sản phẩm đem lại sự tiện lợi cho khách hàng, đồng thời đưa sản phẩm, dịch vụ Ngân hàng về nông thôn.

Hội thảo cũng nhấn mạnh, những kết quả tích cực của tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói chung và đặc biệt là tín dụng chính sách đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đánh giá là một trong những trụ cột quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Việc triển khai thành công các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ ở Việt Nam đối với nông nghiệp, nông thôn và người nghèo thực sự là những kinh nghiệm quý báu đã được tổng kết và ghi nhận ở Việt Nam trong những năm qua và hôm nay, thông qua hội thảo quan trọng này, một lần nữa được chia sẻ cùng các bạn bè quốc tế.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã phường, thị trấn trên cả nước. Trong hơn 15 năm qua, nguồn vốn tín dụng từ NHCSXH đã góp phần giúp trên 31,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút và tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động; hơn 3,5 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,7 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 525 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trên 104 nghìn căn nhà cho hộ  gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL; trên 111 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài... 
Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực