Chuẩn bị phương án ứng phó với biến đổi khí hậu một cách chủ động hơn

Thứ ba, 03/07/2018 21:02
(ĐCSVN) - 6 tháng cuối năm 2018, chúng ta không chỉ cố gắng đảm bảo các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng, giá trị xuất khẩu nông sản, xây dựng Nông thôn mới,… ở mức cao nhất mà song song với quá trình đó, chúng ta cần chuẩn bị phương án ứng phó với biến đổi khí hậu một cách chủ động hơn.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường về những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp trong những tháng cuối năm 2018.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Ảnh: BT)

Phóng viên (PV): Xin Bộ trưởng cho biết về kết quả sơ bộ 6 tháng đầu năm mà ngành nông nghiệp đạt được?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2018, các chỉ tiêu mà Chính phủ giao cho lĩnh vực nông nghiệp ở mức độ cao. Một là tốc độ tăng trưởng 3,05%, thứ hai xuất khẩu nông sản phải phấn đấu đạt từ 38 - 40 tỷ USD; chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới phải phấn đấu đảm bảo 38% số xã đạt chuẩn và hệ số che phủ rừng phải đạt 41,6%.

Bằng sự cố gắng vượt bậc, sự tập trung chỉ đạo của Trung ương, cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các thành phần kinh tế và nhất là bà con nông dân, tính đến 6 tháng đầu năm, một điểm đáng mừng là về cơ bản các mục tiêu chúng ta có thể hoàn thành được. Về tăng trưởng, chúng ta ở mức khoảng xung quanh 4% GDP tăng trưởng khu vực nông nghiệp, xuất khẩu chúng ta đạt giá trị 19,4 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ năm ngoái 12%. Với đà tăng trưởng này, năm nay chúng ta có khả năng sẽ cán mốc 40 tỷ USD trở lên giá trị xuất khẩu hàng nông sản.

Về chương trình xây dựng Nông thôn mới, chúng ta đã đạt đến con số trên 3.300 xã đạt chuẩn và cuối năm nay chúng ta sẽ cán được mốc 40% số xã đạt chuẩn.

Với chỉ tiêu độ che phủ rừng, với đà tích cực của công tác rừng, chăm sóc rừng, tin tưởng năm nay chúng ta cũng đạt được mục tiêu đề ra. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, bằng sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, các cấp các ngành, cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn dân và chúng tôi đánh giá cao các doanh nghiệp và bà con nông dân, chúng ta đã hoàn thành cơ bản đến giờ phút này tiến độ các mục tiêu mà Chính phủ đề ra.

PV: Từ nay đến hết năm 2018, chúng ta cần tiếp tục triển khai những giải pháp gì để đạt mục tiêu đã đề ra, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Từ nay đến cuối năm vẫn còn một đoạn đường để hoàn thành toàn bộ mục tiêu cả năm đặt ra trong điều kiện biến đổi khí hậu tác động thường xuyên. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta không chỉ cố gắng đảm bảo các chỉ tiêu này ở mức cao nhất mà song song với quá trình đó, chúng ta phải chuẩn bị phương án ứng phó thích ứng với biến đổi khí hậu một cách chủ động hơn.

Chúng ta biết rằng trận mưa lũ kéo dài suốt từ 22 - 26/6 vừa qua ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã gây tổn thương lớn đến người và tài sản, cho thấy nguy cơ từ thiên tai, rủi ro từ thiên tai nếu chúng ta không chủ động thích ứng bằng các giải pháp tổng hợp.

Vì vậy, từ nay đến cuối năm chúng ta cần quyết tâm bằng các giải pháp tổng thể để đạt được kết quả cao nhất về tăng trưởng, xuất khẩu, xây dựng nông thôn mới nhưng đồng thời phải có một chương trình hành động cụ thể, chú trọng đến phương châm 4 tại chỗ.

Để từ đó, chúng ta có điều kiện thích ứng tốt nhất, ứng phó với thiên tai một cách chủ động, huy động tổng lực lượng sẵn sàng đối phó với những tình huống bất thường đang diễn ra về nguy cơ thiên tai.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết thêm về tình hình khắc phục thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với sản phẩm khai thác thủy sản của Việt Nam?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Kể từ 23/10/2017, EC phạt thẻ vàng đối với mặt hàng khai thác thủy sản chưa minh bạch của Việt Nam, chúng ta đã tập trung nỗ lực bằng mọi giải pháp. Một là hoàn thiện về mặt văn bản pháp luật, lần đầu tiên 9 nội dung khuyến nghị của EC đã được đưa vào trong Luật Thủy sản sửa đổi. Đó là một cố gắng rất cao về hình thành khung khổ pháp luật. Hai là, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các quyết định để tập trung đồng bộ các nhóm giải pháp để chỉ đạo.

Các địa phương, 28 tỉnh duyên hải và bà con ngư dân, các lực lượng quản lý của chúng ta đã vào cuộc, tuy nhiên, 6 tháng không phải là một khoảng thời gian đủ dài để chúng ta xoay chuyển tình thế từ một nghề cá nhân dân sang một nghề cá có trách nhiệm, bền vững.

Vừa qua, kiểm tra của EU cho thấy, phía bạn cũng ghi nhận những cố gắng vượt bậc của chúng ta. Tuy nhiên, với những khối lượng công việc còn rất lớn, kể cả khai thác bền vững, trách nhiệm ngư dân, tổ chức thực thi pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật thì chúng ta còn phải cố gắng. Tới đây chúng tôi sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành các văn bản, các chương trình hành động để 28 tỉnh duyên hải phải vào cuộc quyết liệt hơn; trách nhiệm của ngư dân, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý phải rõ hơn và quyết liệt hơn nữa thì chúng ta mới sớm mong muốn tháo gỡ được thẻ vàng.

PV: Trong 6 tháng tới, việc cảnh báo thẻ vàng của EC ảnh hưởng như thế nào đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trước mắt, khi EC cảnh báo như vậy, chúng ta chưa lo ngại đến tổn thương của thị phần xuất khẩu thủy sản, vì chúng ta hiện nay có rất nhiều thị trường.

Tuy nhiên, ý thức của chúng ta là phải phấn đấu để có một nghề cá bền vững, một nghề cá chuỗi giá trị, một nghề cá khai thác có trách nhiệm. Đây là mục tiêu xa hơn để chúng ta tự phấn đấu. Do đó, chúng ta cần tổ chức lại sản xuất, quan trọng hơn là đi sâu vào chế biến để có chuỗi giá trị nhiều hơn. Cùng với đó, chú trọng đến giải pháp nuôi xa, tái cơ cấu việc làm trên bờ, tập trung đồng bộ nhiều giải pháp để chúng ta xây dựng một nghề khai thác biển hay rộng hơn là kinh tế biển một cách bền vững, là tiềm năng của Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.

 

BT (ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực