Cơ hội để Việt Nam “đi tắt đón đầu”

Thứ năm, 17/01/2019 21:36
(ĐCSVN) - Cách mạng Công nghiệp 4.0 (FIR) là sự dung hợp - tương tác giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa, sinh học và được kết nối thông qua Internet vạn vật (IOT). Với các đặc trưng, công nghệ và sản phẩm mới xuất hiện phổ biến vào năm 2025 sẽ định hình rõ nét hơn về một thế giới siêu kết nối. FIR mang tính toàn diện, từ cấu trúc thị trường, đến cách thức sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm ICT tại Bộ Thông tin và Truyền thông. (Ảnh: ictnews.vn)

Từ tư duy đến hành động…

Trong Văn kiện Đại hội IX (2001), lần đầu tiên Đảng ta nhận định: “Kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất”(1). Đến Đại hội X (2006), Đảng ta nhấn mạnh: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với từng bước phát triển kinh tế tri thức”(2). Tại Đại hội XI (2011), Đảng ta đã nêu định hướng: “Phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”(3). Trên cơ sở quan điểm của Đại hội XII (2016) là: “lấy khoa học, công nghệ, trí thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu”(4), Bộ Chính trị đã ra nghị quyết, nêu rõ nhiệm vụ “Phải sớm xây dựng chiến lược tiếp cận và chủ động tham gia FIR”(5).

Tiếp đó, ngày 22/3/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 23 về Chiến lược phát triển Công nghiệp Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045, khẳng định: Việt Nam phải “tận dụng hiệu quả lợi thế của nước đi sau trong CNH, đặc biệt là FIR để có cách tiếp cận, "đi tắt, đón đầu" một cách hợp lý trong phát triển các ngành công nghiệp(6).


Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận FIR. Mới đây, ngày 15/1/2019, phát biểu tại Hội nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Nền kinh tế số, kinh tế dữ liệu chính là một phần quan trọng và là tương lai của toàn bộ nền kinh tế. Sự phát triển vượt bậc của ngành TT&TT sẽ góp phần thay đổi tư duy, ổn định chính sách, tạo ra kỳ vọng "đi tắt đón đầu" chưa từng có đối với Việt Nam”(7).


Theo giới chuyên gia, FIR mang lại cơ hội lớn cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng cách “đi tắt, đón đầu”. Việt Nam cần sớm ứng dụng công nghệ gắn với sản phẩm mới của FIR, để khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao có thể trở thành 3 đột phá chiến lược, làm đòn bẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.


Tuy là một nước đi sau, nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể rút kinh nghiệm các nước và “đi tắt, đón đầu” có hiệu quả. Bởi vì, FIR đang mang lại cơ hội cho nền kinh tế số, sản xuất và dịch vụ thông minh; các loại hình kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, tài chính, ngân hàng, logistic, robotics… thông minh hóa… 


FIR còn giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí sản xuất, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ TT&TT sớm trình Đề án Chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cả nhận thức và hành động của các bộ, ngành, địa phương, giúp Việt Nam sớm có sự phát triển bứt phá về kinh tế số.


Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đến năm 2020, Việt Nam phải tăng ít nhất 15 bậc về chính phủ điện tử so với năm 2018. Bộ TT&TT sẽ phải là chủ công trong lĩnh vực chính phủ điện tử về vấn đề công nghệ. Thủ tướng nhất trí với đề xuất tham vọng “Vì một Việt Nam phát triển hùng cường” trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Và những thách thức cần vượt qua…

Theo giới phân tích, FIR bên cạnh việc đưa lại thời cơ lớn, nhưng Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong các lĩnh vực: Công nghệ gốc, công nghệ nguồn, nhân lực chất lượng cao; chính sách và hạ tầng kỹ thuật số. Cụ thể, về công nghệ, trình độ công nghệ của Việt Nam ở mức vừa phải và không đồng đều nên khi tiếp cận FIR sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là thuận lợi, thời cơ vì chúng ta không phải chi phí quá tốn kém để phá hủy cãi cũ thay thế cái mới.


Việt Nam cũng phải chấp nhận những thách thức không nhỏ về an ninh như: quyền lực mềm, biên giới mềm, an ninh không gian mạng, tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia… Điều này đòi hỏi cần có sự ứng phó chủ động và kiểm soát tốt nhất để bảo đảm chủ quyền và an ninh cho người dân và đất nước.


Trong lĩnh vực sản xuất, xu hướng robot thông minh thay thế con người đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Trong tương lai, con người có thể còn không được làm những công việc đơn giản này khi mà robot làm tốt và chính xác hơn. Những quốc gia có nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ như Việt Nam, tác động của FIR trong giai đoạn đầu có thể sẽ là rất tiêu cực, chẳng hạn như thị trường biến động, thất nghiệp gia tăng, độ chênh giàu nghèo doãng ra nhanh chóng...


Những công nghệ năng lượng, vật liệu mới, in 3D sẽ ảnh hưởng lớn đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên, khi thế giới không còn phụ thuộc quá nhiều vào các hoạt động khai thác than hay dầu khí… Những lao động thủ công trong các ngành dệt may, lắp ráp, nông nghiệp truyền thống sẽ chịu tác động lớn nhất từ cuộc cách mạng lần này. Trong 20 năm tới, sẽ có từ 70-75% công việc đơn giản, thủ công trong các ngành này có thể sẽ bị thay thế, khiến hàng chục triệu lao động truyền thống bị thất nghiệp(8).

FIR còn làm thay đổi hệ thống cấu trúc kinh tế - xã hội. Để ứng phó và tận dụng cơ hội mà FIR mang đến, chúng ta cần phải có một tầm nhìn chiến lược, cách tiếp cận thông minh. Sự tác động của FIR trên góc độ tiêu dùng có thể coi là rất tích cực, nhất là khi Việt Nam có thể tiếp cận được thông tin, tri thức, các dịch vụ tiên tiến… Đây được xem là một cơ hội cho nền kinh tế nước ta có một hệ năng lực mới để phát triển trong tương lai nhanh và bền vững hơn.

Vì thế, Đảng và Nhà nước ta xác định rõ quan điểm tận dụng tối đa lợi thế một nước còn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khai thác triệt để thành tựu của FIR. Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về FIR ở Hà Nội hồi tháng 7/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, FIR đã vào Việt Nam. “Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe các ý kiến và đây là cơ hội tốt để Việt Nam thu hút đầu tư, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo”(9). Và Thủ tướng yêu cầu xây dựng một số doanh nghiệp đầu tầu cho FIR(10).


Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) ngày 13/9/2018, với sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nói: “Việt Nam không đặt tham vọng là người giỏi nhất, nhưng muốn là bạn của những người giỏi nhất trong nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi có khát vọng thành quốc gia thịnh vượng và đủ tự tin làm điều đó”(11)./.
--------------------------------------------------------------------------------------------------
1.Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2001, tr64
2.Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2006, tr25
3.Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2011, tr78
4.Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội - 2016, tr90
5.https://daidoanket.vn: Cách mạng công nghiệp 4.0: Tiếp cận đúng để tránh nguy cơ tụt hậu. 13/7/2018
6.https://thuvienphapluat.vn: NQ về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 22/3/2018
7.https://ictnews.vn: Thủ tướng: “Con đường đi lên của Việt Nam phải là công nghệ cao”
8.https://vtv.vn: Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội hiếm có cho Việt Nam. 20/5/2017
9.https://vpcp.chinhphu.vn: Thủ tướng Chính phủ dự Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghệ 4.0. 13/7/2018
10.https://www.vnmedia.vn: Thủ tướng yêu cầu xây dựng một số doanh nghiệp đầu tầu cho cách mạng Công nghiệp 4.0. 9/9/2018
11.https://vnexpress.net: Thủ tướng: Việt Nam muốn làm bạn với những người giỏi nhất. 13/9/2018

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực