Cơ hội và thách thức cho ngành Gỗ Việt Nam

Thứ sáu, 21/06/2019 22:30
(ĐCSVN) – Hiện nay, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn đã tạo ra tác động tới nền kinh tế của Việt Nam. Ngành gỗ Việt Nam cũng không nằm ngoài của việc chịu sự tác động rõ rệt này.


Hình ảnh khai mạc Hội thảo: “Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với ngành gỗ Việt: Chuyển dịch đầu tư nước ngoài, cơ hội và rủi ro trong xuất nhập khẩu”. 


Ngày 21/6, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Tổ chức FOREST TRENDS phối hợp tổ chức Hội thảo: “Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với ngành gỗ Việt: Chuyển dịch đầu tư nước ngoài, cơ hội và rủi ro trong xuất nhập khẩu”. 

Cơ hội và rủi ro từ biến động của kinh tế thế giới với ngành gỗ của Việt Nam

Kim ngạch xuất khẩu (XK) các mặt hàng gỗ từ Việt Nam vào Mỹ đạt 3,6 tỉ USD 2018 (ảnh vneconomy.vn).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có 49 dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ trong năm tháng đầu 2019, quy mô vốn FDI của 5 tháng đầu 2019 lớn hơn 1,2 lần tổng số vốn đầu tư FDI vào ngành gỗ trong cả năm 2018.

Kim ngạch xuất khẩu (XK) các mặt hàng gỗ từ Việt Nam vào Mỹ tăng rất nhanh, đặc biệt từ nửa cuối 2018: Từ 3,1 tỉ USD năm 2017 lên 3,6 tỉ USD 2018. Kim ngạch XK sang thị trường này tăng mạnh, bắt đầu từ nửa sau của năm 2018. Trong 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch XK vào Mỹ đạt gần 1,4 tỉ USD, tăng 1,4 lần so cùng kỳ 2018.

Tại hội thảo, tổ chức  Forest Trends đưa ra nghiên cứu nhận định căng thẳng thương mại Mỹ - Trung làm phát sinh một số rủi ro mới trong đầu tư và trong cơ cấu các mặt hàng XK. Báo cáo chỉ ra việc mức thuế mới áp lên các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc làm giảm tính cạnh tranh và lợi nhuận của các công ty có các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Nghiên cứu cũng chỉ ra Trung Quốc là quốc gia cung cấp các sản phẩm gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt trên 30 tỷ USD. Trong khi đó Trung Quốc có các lợi thế như nhân công giá rẻ, thuận tiện về giao thông và hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt tiếp cận với các hệ thống cảng nước sâu.

Do vậy, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung xảy ra, Việt Nam sẽ dễ trở thành địa điểm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI mới trong ngành gỗ. Hiện nay, Việt Nam đã và đang đón nhận dòng đầu tư FDI mới vào ngành, đặc biệt từ Trung Quốc.  Rủi ro đối với ngành gỗ Việt Nam sẽ xảy ra khi các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ được hình thành từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam qua sơ chế, sau đó lấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam vào Mỹ.

Đi tìm giải pháp để biến rủi ro thành cơ hội phát triển

Nhằm giảm thiểu những rủi ro mới phát sinh trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung là vấn đề cần được nhìn nhận giải quyết với ngành gỗ Việt Nam hiện nay. Trong báo cáo của Tổ chức Forest Trends Ông Tô Xuân Phúc, chỉ ra: Hành vi gian lận thương mại có thể gây ra những tổn hại vô cùng lớn cho ngành gỗ Việt Nam. Xác định và giảm thiểu các rủi ro mới phát sinh là vấn đề cấp bách của ngành gỗcác cơ quan quản lý cần đánh giá tổng thể các loại hình rủi ro trong các dự án đầu tư FDI cũng như các sản phẩm xuất khẩu. quy trình cấp phép C/O cần phải được kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận chỉ cấp cho các doanh nghiệp và sản phẩm có đủ điều kiện. Các hiệp hội chú trọng việc cập nhật thông tin từ đối tác và các cơ quan chức năng để thông báo cho các hội viên, tránh các rủi ro không đáng có trong thương mại.

Tham luận tại hội thảo bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng việc đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam là cơ hội cho các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không nắm vững những quy định cần thiết và đáp ứng đủ điều kiện về xuất xứ hàng hóa sẽ là hiểm họa đối với họ. Khi Hoa Kỳ phát hiện  doanh nghiệp nào gian lận về xuất xứ hàng hóa thì hàng hóa đó sẽ bị chặn lại và những doanh nghiệp khác có thể sẽ bị ảnh hưởng theo. Hiện nay, VCCI  đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa (C/O) trong cả nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát và từng đơn vị cấp C/O cũng phải chú trọng công tác kiểm tra, giám sát tại doanh nghiệp về nhà xưởng, máy móc, năng lực sản xuất. Đồng thời, theo Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại VCCI cũng đề nghị cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, nhất là nguồn thông tin dữ liệu từ Hải quan để ngăn chặn tốt việc gian lận trong thương mại.

Về thu hút đầu tư, ông Phạm Tuấn Long, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khẳng định: Nhà nước cũng như các địa phương đều tạo mọi điều kiện thông thoáng, hỗ trợ tích cực doanh nghiệp trong đầu tư. Đồng thời ông cũng kêu gọi các doanh nghiệp, hiệp hội cần tự nâng cao ý thức trong việc tuân thủ các quy định pháp luật và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát. Đặc biệt là nâng cao vai trò quản lý của cơ quan quản lý đầu tư và sau khi cấp phép phải quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết những tham luận của các đại biểu tại hội thảo là những ý kiến quý báu cho các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, chủ động hơn trong những diễn biến, biến động mới từ nền kinh tế thế giới tác động tới nền kinh tế Việt Nam để từ đó có những giải pháp, cơ chế mới giảm thiểu rủi ro từ những biến đổi cũng như tận dụng cơ hội thị trường từ những thay đổi thị trường đem lại cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành sản xuất gỗ nói riêng./.

 

Tin, ảnh KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực