Có một Minh Đài đang chuyển mình

Thứ sáu, 14/06/2019 18:35
(ĐCSVN) - Xuất phát điểm chỉ đạt 6/19 tiêu chí, với 35% dân số là hộ nghèo… nên con đường về đích nông thôn mới (NTM) của xã Minh Đài (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) ngỡ xa vời vợi. Nhưng, với sự đồng lòng và quyết tâm cao, tháng 1/2019, Minh Đài đã vinh dự đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn NTM.

Đây cũng minh chứng cho tinh thần vượt khó của xã miền núi với 51% là đồng bào dân tộc Mường.

Khi đường lớn được mở…

Đường liên xã được mở nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới.
(Ảnh: Phương Tú)

Mới tổ chức lễ đón nhận danh hiệu NTM ngày 20/1/2019 nên câu chuyện NTM vẫn còn nguyên “sức nóng” khi chúng tôi trò chuyện với Chủ tịch UBND xã Minh Đài – ông Dương Văn Khái.

Là người trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các khu dân cư thực hiện tiêu chí NTM; tự thân xuống tận các hộ để vận động, giải thích, nên với ông Khái, những gì liên quan đến NTM đều có thể nói vo mà không cần văn bản nào. Để giúp chúng tôi hiểu hơn về NTM Minh Đài, ông Khái đích thân đưa chúng tôi đến tận các hộ gia đình mà ông cho rằng, họ chính là những nhân tố tích cực góp phần làm nên diện mạo, cũng như sức sống mới cho NTM Minh Đài.

Hướng dẫn anh lái xe chạy dọc theo con đường trải nhựa phẳng lì, nối 3 xã Mỹ Thuận - Minh Đài - Văn Luông, Chủ tịch Dương Văn Khái cho hay: Trong 7 năm xây dựng NTM (2011-2018), các hộ dân ở Minh Đài đã hiến đất làm đường lên đồi sản xuất là 45.000m2; hiến đất làm đường bê tông xi măng là 34.220m2, hiến ngày công lao động và vật liệu thi công với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng… góp phần tạo nên những đổi thay rõ rệt trong giao thông ở Minh Đài.

“Riêng tuyến đường nhựa Mỹ Thuận - Minh Đài - Văn Luông này, tổng diện tích đất bà con hiến đã là 20.000 m2. Trong đó, gia đình ông Nguyễn Nhật Thành và bà Hà Thị Châu mà chúng ta đang đến, đã hiến gần 3.000m2” – ông Khái kể.

Câu chuyện vừa dứt cũng là lúc xe dừng trước cửa nhà ông Thành, bà Châu - ngôi nhà giản dị, sạch sẽ, nằm ngay gần đập tràn suối Mác, thuộc khu dân cư Vinh Quang.

Nói về chuyện hiến đất làm đường, ông Thành cười bảo: “Ban đầu tiếc đấy, gần 3.000m2 đất với lúa, chè, cây ăn trái từ đời ông, đời cha để lại, gia đình cũng gắn bó cả mấy chục năm. Nhưng khi được cán bộ xã, người uy tín ở khu dân cư kiên trì giải thích, vận động; rồi nghĩ tới cảnh đường không có, muốn dựng nhà phải vác trên vai từng viên gạch; con cái về thăm phải qua sông, qua đò… nên gia đình tôi nhất trí. Sau đó, vợ chồng tôi lại cùng người có uy tín ở khu đi vận động các gia đình khác cùng hiến đất. Giờ ngồi nhà, nhìn con đường lớn chạy qua cửa, mừng vô cùng…”.

Trong suốt quá trình xây dựng NTM, cùng với gia đình ông Thành, các hộ ông Nguyễn Xuân Đức, ông Đinh Văn Tin…và nhiều hộ khác cũng đã sẵn sàng hiến từ vài trăm đến cả nghìn m2 đất và ngày công để 95% đường giao thông nông thôn ở Minh Đài được cứng hóa. Nhờ đó, con đường tới trường của học sinh đã thẳng đẹp hơn; bà con trồng chè, trồng ngô có thể vận chuyển nông sản bằng xe máy, ô tô thay vì mang vác như ngày nào…

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa – hướng đi hiệu quả

Cây chè góp phần không nhỏ vào việc giảm tỉ lệ hộ nghèo ở Minh Đài.
(Ảnh: Phương Tú)

Chuyện xây dựng NTM ở Minh Đài được triển khai liên tục trong suốt 8 năm nên có quá nhiều điều để nói. Nhưng với Chủ tịch Dương Văn Khái, kết quả có được không chỉ là do cấp ủy, UBND xã thường xuyên bám sát khu dân cư để chỉ đạo, hỗ trợ 11 khu dân cư thực hiện các tiêu chí về NTM…, mà hơn hết, đó là việc truyền thông, đào tạo, tập huấn cho gần 1.600 hộ dân được Minh Đài thực hiện khá bài bản, rộng khắp. Từ đó mà người dân thấu hiểu: xây dựng NTM là tất yếu, và đối tượng được thụ hưởng không ai ngoài chính những người dân đang sinh sống tại địa phương.

Đây cũng chính là lý do để các phong trào: "Bếp sạch, nhà sạch, vườn xanh", "Đoạn đường phụ nữ tự quản", "Vệ sinh đường làng ngõ xóm", "Tuyến đường hoa thanh niên", "Hàng cây Hội Phụ nữ", "Ánh sáng đường quê"… được triển khai hiệu quả ở cả 11 khu dân cư; góp phần tích cực vào việc đưa Minh Đài hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM theo kế hoạch.

Nhìn lại những kết quả đạt được, Chủ tịch Dương Văn Khái thừa nhận, bên cạnh những phong trào này, Minh Đài đã thành công khi lựa chọn hướng đi “tăng nhanh giá trị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng giá trị trên đơn vị diện tích và hội nhập với thị trường”. Đến nay, nhiều diện tích đất của Minh Đài đã được phủ xanh bởi một số mô hình cây mũi nhọn như: chè Bát tiên, chè San tuyết, bưởi Diễn, bưởi Da xanh… Đặc biệt, với truyền thống là vùng trồng chè, UBND xã Minh Đài đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH chế biến chè Bằng Minh và Công ty TNHH TEA Khánh Linh Việt Nam để tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi (với giá cao hơn giá thị trường) cho các hộ sản xuất chè trên địa bàn xã, từng bước đưa hộ nghèo của Minh Đài giảm từ 35% (năm 2011), xuống còn 8% (năm 2018).

Niềm vui của người dân ở xã đầu tiên trong huyện Tân Sơn cán đích NTM được cảm nhận rõ hơn khi chúng tôi tiếp xúc với ông Phạm Xuân Vinh (khu dân cư Đồng Tâm). Gắn bó với mảnh đất Minh Đài đã 40 năm, ông Vinh giờ đây chọn mô hình trang trại sạch để phát triển sản xuất và làm giàu. Với diện tích 1 héc-ta chè Bát Tiên và 500 gốc bưởi đang cho thu hoạch, ông Vinh rất tự tin với hướng đi của mình: “NTM đang thay đổi tư duy, nhận thức về sản xuất của người dân, nhất là đồng bào Mường ở Minh Đài. Sẽ cần có thời gian, nhưng tôi hi vọng rồi Minh Đài sẽ có những vùng sản xuất nguyên liệu an toàn, tập trung – nơi người dân có thể làm giàu và tự hào về sản phẩm của quê hương mình”.

Theo chân Chủ tịch Dương Văn Khái đi dọc con đường lớn chạy qua trung tâm xã, chứng kiến sự sầm uất của các hoạt động, từ sản xuất mộc, cơ khí nhỏ, đến xây dựng, kinh doanh, vận tải… thấy hi vọng hơn vào một Minh Đài ngày mới. Sau rất nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương và nhân dân, nông thôn rõ ràng đang thực sự tạo nên những chuyển biến tích cực cho vùng quê Minh Đài./.

 

Hà Anh - Phương Tú

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực