Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017: Quảng Ninh vươn lên vị trí đứng đầu

Thứ năm, 22/03/2018 15:55
(ĐCSVN) – Đây là năm thứ 13 liên tiếp PCI được thực hiện, dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp các lĩnh vực và loại hình trên toàn quốc. Kết quả PCI năm 2017, Quảng Ninh vươn lên vị trí thứ nhất sau 4 năm liền vị trí này thuộc về Đà Nẵng.
 

Đại diện 5 tỉnh, thành phố đứng đầu trong bảng xếp hạng PCI 2017. 
(Ảnh: M.P)

Đó là đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 do VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng nay (22/3) tại Hà Nội.

Đây là năm thứ 13 liên tiếp PCI được thực hiện, dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp (DN) các lĩnh vực và loại hình trên toàn quốc.

Kết quả PCI năm 2017 đã đánh dấu việc Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm số 70,7/100 điểm, trong khi năm 2016 tỉnh này đứng ở vị trí thứ hai.

Tụt một hạng so với năm 2016 là TP. Đà Nẵng khi được suýt soát 70,1 điểm. Xếp các thứ hạng tiếp theo lần lượt là các địa phương: Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ… Thủ đô Hà Nội tăng 1 bậc so với năm ngoái, lên vị trí thứ 13.

Theo báo cáo PCI, Quảng Ninh vươn lên vị trí thứ nhất sau 4 năm liền thuộc về Đà Nẵng là do năm 2017, Quảng Ninh tiên phong trong việc tận dụng sức mạnh của mạng xã hội, khi lập fanpage Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện và thành phố (DCCI); giúp tỉnh nhanh chóng giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh còn tiếp tục thực hiện các hoạt động đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp giúp hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Năm nay, xếp cuối bảng chỉ số vẫn là các địa phương thuộc miền núi như: Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Kon Tum, Bình Phước, Đắk Nông…

Mặc dù vậy, nhìn chung trong năm 2017, các doanh nghiệp đã ghi nhận sự cải thiện chất lượng điều hành của chính quyền các địa phương. So với những năm trước, các chính quyền giải quyết kịp thời hơn các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chi phí không chính thức có xu hướng được cải thiện tích cực, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn và chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính đang có nhiều chuyển biến tích cực.

Về triển vọng kinh doanh, các doanh nghiệp có một tâm lý lạc quan. 52% doanh nghiệp dân doanh sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, mức cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa là rất thấp, chỉ ở mức 8%. Cảm nhận tích cực về triển vọng phát triển còn rõ rệt hơn ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), có tới 60% doanh nghiệp FDI cho biết có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh tại Việt Nam, mức cao nhất kể từ năm 2011. Gánh nặng thủ tục giảm bớt Các doanh nghiệp FDI cũng đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam tích cực hơn. Thời gian cần thiết để hoàn tất các thủ tục cấp phép đầu tư đã cải thiện đáng kể. Những gánh nặng thủ tục giai đoạn hậu đăng ký đối với doanh nghiệp FDI như bảo hiểm xã hội, thuế, lao động cũng đã giảm bớt so với những năm trước.

Đánh giá về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, cải thiện tích cực là xu hướng chủ đạo trong môi trường kinh doanh của Việt Nam năm vừa qua, các địa phương đã và đang tích cực vào cuộc, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Lộc, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực cải cách của các địa phương; sự chuyển mình của các trung tâm kinh tế lớn – những người khổng lồ - trong nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ có những đóng góp quyết định cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cũng cho rằng, PCI có tác động to lớn trong việc thúc đẩy tính minh bạch và cải thiện chất lượng điều hành kinh tế tại Việt Nam và điều này góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng các cơ hội đầu tư và thương mại tại Việt Nam.

Theo báo cáo PCI, tuy đánh giá cao những cải thiện của địa phương, các doanh nghiệp vẫn nêu lên mong muốn chính quyền cần tiếp tục duy trì đà cải cách, cụ thể trong một số lĩnh vực như thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, bảo hiểm xã hội… Việt Nam cần có chiến lược và chính sách hiệu quả để nâng cao chất lượng lao động, trình độ nhân lực…/.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực