Đặc khu kinh tế giúp đột phá trong tăng trưởng kinh tế

Thứ tư, 16/05/2018 10:46
(ĐCSVN) - Trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh các nội dung liên quan tới đặc khu kinh tế, PGS.TS Vũ Minh Khương - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học quốc gia Singapore nhận định: Với việc hình thành các đặc khu kinh tế sẽ tạo đột phá trong tăng trưởng.

 

Cần đặc biệt chú ý tới quy hoạch và các chính sách ưu đãi thích hợp cho phát triển đặc khu kinh tế
(Ảnh: HNV)

Phóng viên (PV): Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc Việt Nam sẽ tập trung phát triển 3 đặc khu kinh tế gồm: Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong trong thời gian tới đây?

PGS.TS Vũ Minh Khương: Việt Nam hiện có 16 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu, 328 khu công nghiệp được thành lập. Chỉ tính đến cuối năm 2016, các khu kinh tế đã thu hút được 153,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký (chiếm 52,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam) và 1.644 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước đăng ký; thu hút hơn 3 triệu lao động…

Tuy nhiên, trước sức ép của cạnh tranh quốc tế và những hạn chế nội tại, sức hút của các mô hình trên đang giảm dần, thiếu động lực phát triển đột phá. Bởi thế, các đặc khu không chỉ là điểm hút về đầu tư, mà còn là điểm hút về công nghệ, về nhân tài và là nơi để khẳng định vị thế kinh tế. Đặc khu cũng sẽ là nơi gắn kết với các địa phương trong cả nước.

Đáng chú ý, với mô hình đặc khu, sẽ có nhiều nguồn lực đổ vào đây. Dù có sự dịch chuyển nguồn lực giữa các địa phương nhưng xét về tổng thể là tăng trưởng trong dài hạn.

PV: Vậy theo ông, việc chúng ta dành nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư vào đặc khu kinh tế liệu có phải là giải pháp khả thi trong bối cảnh hiện nay không?

PGS.TS Vũ Minh Khương: Với những chính sách mang tính đột phá, ưu đãi mang tính vượt trội, thông thoáng, có lợi thế cạnh tranh quốc tế, các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều hứng khởi, kỳ vọng về triển vọng đầu tư vào các đặc khu.

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý, các đặc khu kinh tế cần chú trọng thu hút các nhà đầu tư lớn bằng một thể chế ưu tú, bền vững, chứ không phải chỉ chú trọng ưu đãi. Cho nên, cần nhìn lại những ưu đãi, nhất là ưu đãi về miễn giảm thuế bởi có thể sẽ làm ảnh hưởng đến ngân sách.

Lấy ví dụ từ Singapore, một quốc gia đã phát triển thành công các đặc khu kinh tế, ở quốc gia này, thuế vẫn phải thu và ưu đãi về thuế là hết sức hạn chế. Nhà nước sẽ sử dụng tiền thuế mà chính các doanh nghiệp đóng để hỗ trợ cho các nhà đầu tư có dự án nằm trong vùng được hưởng các chính sách ưu đãi như: xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân công…

Thể chế phải rất ưu tú, Nhà nước sẽ bảo đảm cùng các nhà đầu tư giải quyết tất cả các bài toán khó khăn. Hơn nữa, ưu đãi, miễn giảm trong nhiều năm có thể khiến các nhà đầu tư coi là điều mặc nhiên dẫn đến sau này thu thêm được 1 đồng thuế cũng rất khó. Do đó, ưu đãi về thuế cần có một sự tính toán linh hoạt nhất định. Trong vài ba năm đầu sẽ có một số hỗ trợ đặc biệt, tuy nhiên sang năm thứ tư khi các đặc khu kinh tế đã cất cánh và trở nên hấp dẫn hơn nhiều đối với các nhà đầu tư thì không cần ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt nữa.

So với các nước, ưu đãi của Việt Nam khá cao và chỉ nghĩ đến ưu đãi thôi. Cách đi ấy phải xem lại, tôi nghĩ phải có chiến lược. Đặc khu phải là đột phá để tạo nên nguồn ngân sách.

PGS.TS Vũ Minh Khương (Ảnh: HNV)

PV: Để phát triển các đặc khu một cách bền vững và hiệu quả, theo ông, chúng ta cần phải làm gì?

PGS.TS Vũ Minh Khương: Một trong những nội dung khi phát triển đặc khu kinh tế cần phải chú ý đầu tiên là vấn đề quy hoạch. Liên quan đến nội dung này, thiết nghĩ, cần xây dựng có tầm nhìn và tính toán kỹ lưỡng.

Việc trích quỹ đất hàng năm bao nhiêu cần tính toán đến quyền lợi của những người thực sự có đóng góp cho sự phát triển và những người sống ở đặc khu, tránh để tiền rơi vào những "cò" đất buôn bán chạy chọt, lợi dụng cơ chế.

Toàn bộ quy hoạch đất phải rõ ràng. Theo dự thảo, căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, chủ tịch UBND đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Chúng ta cũng không nên quy định thời hạn 99 năm, vì  sẽ khiến các đặc khu kinh tế bị thiên lệch về hướng thu hút các nhà đầu tư có tính đầu cơ đất.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực