Đánh giá lại hiệu quả của cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước

Thứ tư, 12/06/2019 17:54
(ĐCSVN) – Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, cần đánh giá lại kinh tế Nhà nước cũng như đánh giá việc thực hiện cơ cấu lại khu vực DNNN, vai trò đóng góp của kinh tế Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội thực sự có mang lại hiệu quả.

Đó cũng là thông tin được khẳng định tại Hội thảo “Kinh tế nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN): Thực hiện 2011-2020 và kiến nghị quan điểm, phương hướng đến năm 2030” diễn ra ngày 12/6, tại Hà Nội, do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức.

Hình ảnh tại hội thảo (Ảnh: HNV)

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, hội thảo nhằm phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, cần đánh giá lại kinh tế Nhà nước cũng như đánh giá việc thực hiện cơ cấu lại khu vực DNNN, vai trò đóng góp của kinh tế Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội thực sự có mang lại hiệu quả hay không. Bên cạnh đó, xem xét hoạt động của DNNN và quyền tự chủ của họ. Theo ông Cung, DNNN không có đủ quyền tự chủ để vận hành theo cơ chế thị trường, trên thực tế, quyền tự chủ của DNNN bị hạn chế bởi nhiều lý do.

Tại hội thảo, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM) cho biết, cơ cấu lại DNNN đến năm 2020 có các mục tiêu như: DNNN có cơ cấu hợp lý hơn thông qua cổ phần hóa, thoái vốn; hoàn thành thoái vốn tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, xử lý dứt điểm các DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài…

Cũng theo ông Phạm Đức Trung, đối với việc cổ phần hóa, thoái vốn, mặc dù vẫn có thể hoàn thành kế hoạch số lượng cổ phần hóa đến năm 2020 nhưng chắc chắn sẽ không hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng như: thu hút đầu tư xã hội, dẫn tới vẫn phải duy trì cổ phần nhà nước ở mức cao; chưa thể rút vốn Nhà nước để đầu tư vào ngành, lĩnh vực cần tới vai trò của kinh tế nhà nước, của DNNN.

Ông Trung cũng chỉ ra nguyên nhân chính của tái cơ cấu DNNN còn chậm chủ yếu là do những tồn tại của thể chế và pháp luật. Quản lý của chủ sở hữu Nhà nước còn chưa tách bạch giữa quản lý thuộc chức năng sở hữu và quản lý Nhà nước, tiềm ẩn nguy cơ đối xử bất bình đẳng và hạn chế cạnh tranh trên thực tế. “Quy định chặt chẽ là cần thiết trong bối cảnh cơ cấu lại, tránh thất thoát tài sản nhà nước, nhưng về lâu dài và dưới góc độ quản trị doanh nghiệp hiện đại, là yếu tố giảm quyền tự chủ của DNNN so với DN khác”, chuyên gia này bình luận.

Về phương hướng, mục tiêu cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021-2030, ông Phạm Đức Trung cho rằng, chiến lược 2021-2030 phải xác dịnh rõ chỉ tiêu kinh tế DNNN phải đạt được trên các mặt như: hiệu suất sinh lời trên vốn nhà nước (giai đoạn 2001-2010 đã từng đạt bình quân 15-17%/năm); năng suất lao động (phải đặt ra các mục tiêu cụ thể, ví dụ như cao hơn mức bìnhquân, không thấp hơn khu vực FDI, trình độ công nghệ ngang bằng ASEAN...)

Bên cạnh đó, DNNN cũng phải hoàn thành mục tiêu đáp ứng chuẩn mực quản trị với một số chỉ tiêu như được các tổ chức uy tín xếp hạng, thừa nhận, phải có chỉ tiêu về tỷ trọng các DNNN niêm yết trên sàn chứng khoán trong nước và quốc tế... Đồng thời, phải hoàn thành việc xác lập thể chế kinh tế thị trường đối với DNNN.

TS. Trần Tiến Cường, chuyên gia kinh tế nhận định, quan điểm cơ cấu lại nguồn lực đầu tư đối với doanh nghiệp nhà nước và đơn vị kinh tế nhà nước cần có cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với mỗi loại doanh nghiệp. Theo đó, cần tăng cường sử dụng các chính sách vĩ mô do Nhà nước ban hành thay cho việc sử dụng doanh nghiệp nhà nước làm công cụ điều tiết vĩ mô; chỉ sử dụng doanh nghiệp nhà nước như là công cụ hỗ trợ cùng với công cụ chính sách để điều tiết vĩ mô và phải minh bạch hóa, thể chế hóa vai trò này của doanh nghiệp nhà nước.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực