Đáp ứng đủ vốn với đối tượng chính sách

Thứ năm, 05/09/2019 15:33
(ĐCSVN) – Ngành Ngân hàng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phục vụ nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho người dân, doanh nghiệp, trong đó đặc biệt tập trung cho đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.
Hình ảnh tại hội nghị. (Ảnh: Đ.K)


Ngày 4/9/2019, tại Mộc Châu – Sơn La, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội nghị về tiếp tục hoàn thiện và nâng cao vai trò chính sách tín dụng ưu đãi đối với khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đánh giá, khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc là địa bàn quan trọng về kinh tế - xã hội, vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Đây cũng nơi có nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống lâu đời với bản sắc văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, đây cũng là vùng còn nhiều khó khăn nhất cả nước: về địa hình, khí hậu, dân số, cơ sở hạ tầng và điều kiện phát triển kinh tế, sản xuất hàng hóa.

Bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, ngành Ngân hàng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phục vụ nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho người dân, doanh nghiệp, trong đó đặc biệt tập trung cho đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách trong khu vực. Tính đến hết tháng 7/2019, huy động vốn của toàn ngành Ngân hàng trong khu vực đạt 381.603 tỷ đồng, tăng 9,08% so với năm 2018 (cao hơn so với mức tăng chung toàn quốc 6,87%), chiếm khoảng 4,5% tổng nguồn vốn huy động toàn quốc. Dư nợ tín dụng cho khu vực đạt khoảng 409.552 tỷ đồng, tăng 4,87% so với năm 2018, chiếm 5,29% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, trong đó dư nợ cho vay theo lĩnh vực ưu tiên đều có xu hướng tăng so với cuối năm 2018 .

Đáp ứng nhu cầu vốn cho khu vực trung du, miền núi phía Bắc, ngoài 14 chi nhánh NHNN với chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, mạng lưới ngân hàng hoạt động tại khu vực đã được mở rộng đến 176 chi nhánh cấp 1;151 quỹ tín dụng nhân dân và 1.052 chi nhánh trực thuộc và phòng giao dịch. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 17 chi nhánh loại I đang hoạt động trên địa bàn 14 tỉnh; Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với mạng lưới hoạt động của 14 chi nhánh NHCSXH tỉnh, 127 phòng giao dịch cấp huyện, tổ chức 2.566 điểm giao dịch xã, thành lập 37.489 Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các thôn, bản.

Hệ thống các TCTD thời gian qua đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng thương mại và chủ động triển khai các chương trình tín dụng cho các lĩnh vực và đối tượng ưu tiên. Đối với các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH đang triển khai tại khu vực, tính đến 31/7/2019 dư nợ cho vay đạt 42.748 tỷ đồng, tăng 6,12% so với 31/12/2018, với hơn 1.486 ngàn khách hàng còn dư nợ, chiếm tỷ trọng 21,5% tổng dư nợ tại NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp trên 762 ngàn hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 204 ngàn lao động …góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc  gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Hiện tại, NHCSXH đang triển khai hơn 20 chương trình tín dụng ưu đãi. Các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách được tiếp cận nhiều hơn các chương trình, chính sách tín dụng ngân hàng với quy trình, thủ tục cho vay rõ ràng, minh bạch, đơn giản và phù hợp với từng đối tượng, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Nhìn chung, hệ thống ngân hàng đã thực sự phát huy vai trò “huyết mạch” đối với phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong khu vực. Nguồn vốn ngân hàng đã giúp cho hàng triệu hộ gia đình chính sách, hộ nghèo khắc phục khó khăn, có điều kiện chuyển đổi, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các ý kiến phát biểu của lãnh đạo UBND các tỉnh; tham luận, ý kiến tham gia của các tổ chức tín dụng; tổ chức chính trị - xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã vay vốn trên địa bàn. Các ý kiến, tham luận tại hội nghị đã thẳng thắn đề cập đến những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ngân hàng...

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đ.K)

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác tín dụng đối với các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định NHNN sẽ tiếp tục đổi mới hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng ưu tiên cho vùng này, trong thời gian tới tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đăc biệt, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với đối tượng ưu tiên, tín dụng chính sách; đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, nhất là tại khu vực vùng sâu, vùng xa.

Chủ động nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn để phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường biện pháp quản lý hoạt động của TCTD, về những vấn đề phát sinh cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế; lồng ghép các chương trình chính sách tín dụng ngân hàng với các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách trên mỗi một tỉnh huyện phù hợp với quy định và tình hình thực tế của địa phương.

Ngoài ra, TCTD cần triển khai hiệu quả, kịp thời chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của NHNN, trong đó có đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, người dân. Có chính sách điều hòa vốn phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó ưu tiên nguồn vốn lãi suất thấp cho các chi nhánh trên địa bàn để đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực