Dấu ấn công tác khuyến nông ở Tuyên Quang

Thứ ba, 28/02/2017 23:30
(ĐCSVN) - Thời gian qua, với phương châm “Cụ thể, phù hợp, hiệu quả”, công tác khuyến nông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã và đang góp phần quan trọng trong thực hiện đa dạng cơ cấu vật nuôi, cây trồng; nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và phát triển đời sống của người nông dân.

Những năm gần đây, thông qua việc phát huy tốt vai trò của đội ngũ khuyến nông viên cơ sở, vụ đông đang dần trở thành vụ sản xuất chính thứ 3 của bà con nông dân ở Tuyên Quang. Đặc biệt, vụ đông năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp cùng Trạm Khuyến nông huyện Sơn Dương và Công ty Cổ phần xuất khẩu Đồng Giao triển khai thực hiện mô hình trồng ngô ngọt tại 4 xã của huyện Sơn Dương bao gồm: Minh Thanh, Hồng Lạc, Lâm Xuyên, Hợp Hòa. Mô hình đã được thực hiện trên diện tích 29,3 ha với sự hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn trực tiếp của cán bộ khuyến nông. Với nhiều ưu điểm như sinh trưởng, phát triển tốt; sức đề kháng sâu bệnh cao; kỹ thuật chăm sóc đơn giản, sau thời gian khoảng 70 - 75 ngày, cây ngô ngọt đã cho thu hoạch với năng suất trung bình đạt 94,6 tạ/ha, tăng trên 20% so với những giống ngô truyền thống. Phát huy kết quả đó, vụ đông năm 2016, mô hình trồng ngô ngọt đã được tiếp tục triển khai trên diện rộng tại một số địa phương có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, qua đó giúp người dân xoá đói giảm nghèo.


Mô hình nuôi gà an toàn sinh học của nông dân xã Kim Bình huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. (Ảnh: Phan Anh)

Thực tế thời gian qua ở Tuyên Quang cho thấy, một trong những điểm nhấn góp phần khẳng định vai trò của hoạt động khuyến nông đó là các chương trình khuyến nông đã tập trung vào việc chuyển giao, trình diễn các loại vật tư nông nghiệp, qua đó giúp nông dân yên tâm đẩy mạnh thâm canh cây trồng, nâng cao hiệu quả các hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Ngay từ cuối năm 2011, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với Công ty Cổ phần Giống vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam và Công ty Cổ phần chè Mỹ Lâm tổ chức thử nghiệm thành công phân bón lá phức hữu cơ Pomior cho cây chè. Qua đánh giá, việc sử dụng phân bón lá phức hợp hữu cơ Pomior đúng kỹ thuật đã giúp cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, búp nhiều, lá chè xanh non, tỷ lệ búp dầy, mập nhiều đồng thời rút ngắn thời gian thu hái trên mỗi lứa, năng suất chè búp cũng tăng khoảng gần 20%, tương đương 2 tấn/ha/năm. Mới đây, mô hình thử nghiệm phân viên nén NPK nhả chậm trên cây lúa, cây ngô, cây mía cũng đã thu được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, nhờ tác dụng của phân viên nén NPK nhả chậm nên năng suất bình quân lúa đạt 66,6 tạ/ha (tăng 15%), năng suất ngô bình quân đạt 61 tạ/ha (tăng 13% so với bón phân đơn truyền thống).

Đến nay, từ kết quả của các mô hình thực nghiệm, chuyển giao kỹ thuật, nhiều loại vật tư nông nghiệp đã được người nông dân đưa vào sử dụng góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi và nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Ông Tạ Quang Hữu ở thôn Bình Ca 2, xã Tứ Quận (Yên Sơn - Tuyên Quang) phấn khởi cho biết: “Cây chè được trồng ở Bình Ca 2 từ khá lâu nên đã nhiều cây có biểu hiện cỗi, qua nhiều năm thu hoạch đã dần giảm năng suất. Nhờ có thực hiện mô hình sử dụng phân bón lá phức hữu cơ Pomior của Trung tâm Khuyến nông tỉnh nên năng suất, sản lượng của đồi chè nhà tôi đã được cải tiện rõ rệt. Năm ngoái, gia đình tôi đã thu được hơn 150 triệu đồng từ tiền bán chè búp, cao hơn hẳn so với các năm trước”.

Bên cạnh lĩnh vực trồng trọt, công tác khuyến nông ở Tuyên Quang còn được đẩy mạnh trong hoạt động chăn nuôi. Thông qua việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chương trình khuyến nông đã giúp đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn có điều kiện phát triển tốt; hình thành và mở rộng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, mô hình VAC, VACR từ đó đem lại cho nông dân hiệu quả kinh tế cao, giúp đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Điển hình như các mô hình: nuôi cá lăng nha trong lồng tại lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, nuôi gà an toàn sinh học, nuôi lợn rừng sinh sản… Chính những mô hình khuyến nông đã không chỉ từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con nông dân mà còn góp phần tích cực trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo của cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã giảm từ 34,83% (năm 2011) xuống còn 23,33% (năm 2016).

Tính riêng trong năm 2016 vừa qua, hệ thống khuyến nông các cấp ở Tuyên Quang đã phối hợp xây dựng được trên 300 mô hình trình diễn giống vật nuôi cây trồng mới như mô hình chuyên canh giống lúa Thái Bình Thơm, Phú Ưu 8 ở huyện Yên Sơn, Sơn Dương; mô hình canh tác các giống ngô GS9989, CP111 ở huyện Yên Sơn; mô hình thả nuôi các giống cá dầm xanh, cá anh vũ, cá rô phi đơn tính ở huyện Lâm Bình; mô hình nuôi lợn, gia cầm có sử dụng đệm lót sinh học ở thành phố Tuyên Quang và huyện Chiêm Hoá… Ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Nhờ bám sát địa bàn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đội ngũ cán bộ khuyến nông trong tỉnh đã góp phần quan trọng đưa các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả đến với người sản xuất. Thời gian tới, trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm những mô hình đã thực hiện, Trung tâm sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng những mô hình có hiệu quả kinh tế cao, tiếp tục giúp người sản xuất tăng thu nhập, phát triển đời sống”.

Có thể thấy, bằng cách làm hiệu quả, công tác khuyến nông đã thực sự để lại những dấu ấn quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng ở Tuyên Quang. Đồng thời, phát huy vai trò hoạt động khuyến nông cũng chính là “chìa khoá” giúp nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh./.

 

Phan Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực