Điều kiện để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh mới

Thứ tư, 16/08/2017 15:53
(ĐCSVN) - Ngày 16/8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Những điều kiện để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh mới”.
Đại biểu tham dự Hội thảo - ảnh: HM

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Phát triển nhanh và bền vững là quan điểm xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ta. Đó là quá trình phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau, là quá trình phát triển đảm bảo có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định mục tiêu đến năm 2020 là “Đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững”. Đây là phương hướng phát triển bền vững phù hợp với “Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong 15 năm tới” (2016- 2030) được khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 70 thông qua mà Việt Nam là một thành viên tham gia ký kết.

Để thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam đã ban hành định hướng, chiến lược, chính sách và chương trình hành động cụ thể. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số các nước đang phát triển đã đạt được những thành tựu nổi bật trong cải cách kinh tế hướng tới tăng trưởng và giảm nghèo.

Đồng chí Lê Quốc Lý mong muốn, hội thảo sẽ là một kênh tương tác hữu hiệu giúp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định, thực thi chính sách và cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia nhận diện, thảo luận và chỉ ra điều kiện và các giải pháp cho tăng trưởng nhanh và bền vững ở Việt Nam trong bối cảnh mới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, phân tích, đánh giá về bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay cùng với những tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; xác định những điều kiện để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững; từ đó tìm ra giải pháp để hiện thực hóa những điều kiện này, tạo động lực để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

40 tham luận của các nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành trong và ngoài Học viện gửi đến Hội thảo đã nghiên cứu toàn diện cả về lý luận, thực tiễn về những điều kiện cho phát triển nhanh và bền vững.

Các tham luận của đại biểu tại Hội thảo đều đánh giá: Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu bước đầu trong quá trình phát triển, tuy nhiên thực tế cho thấy Việt Nam đang phải đối diện với nhiều vấn đề, cụ thể: Nền kinh tế tăng trưởng nhưng chưa thực sự bền vững, tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng với công nghệ thấp, tiêu hao nhiều năng lượng, sử dụng nhiều tài nguyên, vốn và lao động; khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn kém, chi phí kinh doanh cao, chất lượng và hiệu quả còn thấp; hàm lượng tri thức, tiến bộ khoa học- công nghệ trong sản phẩm còn thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Việt Nam chưa thực hiện thật tốt việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội. Tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường đã lên tới mức báo động. Lĩnh vực văn hóa, xã hội còn nhiều bất cập…

Trong khi đó, bối cảnh nền kinh tế thế giới hiện nay có nhiều biến động, dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên thế giới và sẽ mở ra nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam trong việc nâng cao năng suất và rút ngắn khoảng cách phát triển đối với các nước trong khu vực và quốc tế.

Các đại biểu cho rằng, để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần xây dựng các chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia nhằm chống lại sự xâm phạm, phá hoại dưới mọi hình thức để giữ vững toàn vẹn chủ quyền nhà nước đối với lãnh thổ quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển kinh tế Việt Nam nhanh, bền vững. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh giữ vững môi trường hòa bình, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế Việt Nam nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cần khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược. Vấn đề này đòi hỏi Việt Nam phải các chiến lược có tầm nhìn dài hạn, căn cơ.../.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực