Điều quan trọng trong triển khai công nghệ số, kinh tế số là phải có niềm tin

Thứ năm, 21/03/2019 21:08
(ĐCSVN) – Đây là khẳng định của ngài Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg khi mở màn ngày làm việc thứ hai (21/3) của Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 (VIF2019).

Cơ hội chứng kiến cuộc cách mạng số tại Việt Nam

Hội thảo sự thật # giả mạo: Đánh giá thông tin trong lớp học

Bảo vệ người dùng Internet- Tiếp nhận thông tin an toàn, chia sẻ thông tin đúng cách

Các diễn giả tại phiên thảo luận về chính phủ điện tử (Ảnh: HNV)

Với các nội dung phong phú, Diễn đàn đã tập trung trao đổi thảo luận với các chủ đề về công nghệ số, nền kinh tế số, chính phủ điện tử với nền hành chính công thời đại công nghệ số, sự phát triển của các thành phố thông minh, kết nối và bền vững cùng sự phát triển của báo chí hiện đại, nêu cao trách nhiệm và an toàn của công dân trong thời đại công nghệ số cũng như áp dụng công nghệ số trong hạ tầng giao thông, trong xây dựng một chính phủ điện tử ở Việt Nam.

Thực tế, ở Việt Nam, năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế với quan điểm “Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp…”.

Nghị quyết đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là “triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao và trong nhiều lĩnh vực”.

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, năm 2015, Chính phủ đã có Nghị quyết đầu tiên tập trung về Chính phủ điện tử nhằm “Đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng”. Từ đó đến nay, trong Báo cáo tình hình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử năm 2018, Văn phòng Chính phủ nêu rõ, việc triển khai Chính phủ điện tử trong thời gian qua với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã phát huy được tính tập trung, thống nhất trong chỉ đạo và triển khai, nâng cao nhận thức của các cơ quan trong việc thực hiện, huy động được sự vào cuộc của khu vực tư nhân và những chuyên gia Việt Nam giỏi trong nước và quốc tế. Những định hướng trong triển khai Chính phủ điện tử trong thời gian qua được các tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá là đúng hướng và phù hợp với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới hiện nay.

Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 diễn ra trong hai ngày 20 - 21/3/2019 (Ảnh: HNV)

Bên cạnh đó, các hệ thống nền tảng Chính phủ điện tử đã được nhìn nhận một cách tổng thể và đã triển khai hoặc tiến hành thử nghiệm một số hệ thống nền tảng. Các hệ thống triển khai đều đóng vai trò quan trọng trong hiện đại hóa các hoạt động quản lý nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp và nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của các Bộ, ngành, địa phương cũng như nhận được sự ghi nhận của người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc triển khai Chính phủ điện tử còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, hệ thống nền tảng kết nối, liên thông, tích hợp chia sẻ dữ liệu (NGSP) triển khai chậm, các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu điện tử (LGSP) tại các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành. Một số cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử như: Dân cư, đất đai, tài chính còn chậm triển khai dẫn đến việc chia sẻ, dùng chung các hệ thống thông tin chưa được thực hiện, làm ảnh hưởng đến triển khai Chính phủ điện tử. Việc xử lý, trao đổi, gửi nhận văn bản điện tử trong nội bộ và giữa các cơ quan nhà nước còn chưa phát huy được hiệu quả; hệ thống quản lý văn bản và điều hành của một số bộ, ngành, địa phương khác nhau.

Dịch vụ công trực tuyến được thiết kế riêng lẻ, rời rạc, chưa thân thiện, chưa lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Mặc dù số lượng dịch vụ công mức 3, mức 4 triển khai tại các bộ, ngành, địa phương ngày càng tăng, tuy nhiên số lượng hồ sơ trực tuyến theo từng dịch vụ rất thấp, thậm chí nhiều dịch vụ không phát sinh hồ sơ trực tuyến. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính chưa bảo đảm tính khoa học, gây gánh nặng cho cán bộ công chức.

Ngân sách đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống thông tin gắn với cải cách hành chính vẫn còn hạn chế, cơ chế đầu tư tài chính chậm sửa đổi nên chưa đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa nền hành chính, chưa đủ để tạo ra đòn bẩy nâng cao hiệu quả điều hành của Chính phủ, cũng như tăng chất lượng dịch vụ công.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc năm 2018, Việt Nam tăng 01 bậc so với năm 2016, xếp hạng 88/193 quốc gia và đứng thứ 06/11 quốc gia trong khu vực ASEAN. Trong đó, chỉ số Dịch vụ công trực tuyến (OSI) tăng đáng kể so với năm 2016 (59/193 quốc gia); chỉ số Hạ tầng viễn thông (TII) liên tục giảm trong 4 kỳ báo cáo (2012 - 2018) gần nhất (xếp hạng 100/193 quốc gia) nằm dưới mức trung bình của cả khu vực và thế giới; chỉ số nguồn nhân lực (HCI) tăng nhẹ so với năm 2016 (xếp hạng 120/193), cao hơn mức trung bình của thế giới nhưng thấp hơn so với mức trung bình của châu Á và ASEAN.

Như khẳng định của ngài đại sứ Thụy Điển, thế giới đang chứng kiến sự thay đổi chóng mặt và phát triển nhanh chóng của internet cả về chất lượng và tốc độ truy cập. Do đó, các quốc gia phải chủ động tiến về phía trước, tự thích nghi và không ngừng sáng tạo, vượt lên trước thách thức, không e ngại và cấm đoán. “Nền tảng trong triển khai công nghệ số, nền kinh tế số hiệu quả thì quan trọng đòi hỏi phải có niềm tin” – Đại sứ Thụy Điển nói./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực