Doanh nghiệp Hải Phòng cần nắm bắt tốt hơn cơ hội từ thương mại điện tử

Thứ ba, 20/03/2018 16:40
Hải Phòng hiện có trên 22.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng chỉ khoảng 320 doanh nghiệp có website tham gia hoạt động thương mại điện tử đã đăng ký với Bộ Công Thương.
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Đầu tư).

Ông Lê Đức Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Thương mại Điện tử - Sở Công Thương Hải Phòng cho biết, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thương mại điện tử của Hải Phòng đã cơ bản sẵn sàng. Hầu hết các chỉ số về phát triển thương mại điện tử đều đạt trên tốc độ phát triển trung bình của cả nước.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chỉ số về giao dịch giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp (G2B) Hải Phòng tăng lên 2 bậc từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 chỉ đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Chỉ số thành phần này phản ánh tính minh bạch thông tin của các địa phương đối với doanh nghiệp cũng như mức độ và hiệu quả của các dịch vụ công trực tuyến đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cũng theo báo cáo của hiệp hội này vừa công bố ngày 14/3, Hải Phòng đứng thứ 3 cả nước về chỉ số phát triển thương mại điện tử của các địa phương.

Tuy nhiên, mức độ gia nhập thị trường thương mại điện tử của Hải Phòng vẫn chưa cao. Ví dụ, hoạt động thanh toán bằng thẻ tài khoản đã phát triển ở rất nhiều doanh nghiệp, song khách hàng vẫn thích dùng tiền mặt. Muốn thương mại điện tử hoạt động tối ưu, tất cả đều phải theo một quy trình toàn diện trên môi trường mạng, từ đặt hàng đến thanh toán.

Ông Lê Đức Trường cho biết thêm, điều tra mới nhất về hoạt động thương mại điện tử trong doanh nghiệp tại Hải Phòng cho thấy, đã có 100% doanh nghiệp sử dụng giao dịch qua thư điện tử và tìm kiếm thông tin trên mạng internet phục vụ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch điện tử chỉ chiếm 4,4% và thiết lập website thương mại điện tử chỉ chiếm có 14,8%.

Về ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động của doanh nghiệp được khảo sát, có tới 89% doanh nghiệp chưa xây dựng website phiên bản di động. 95,2% doanh nghiệp chưa sử dụng tính năng bán hàng trên điện thoại di động, trong khi đó, xu thế sử dụng điện thoại di động để tiếp cận khách hàng đã rất phổ biến trong giai đoạn hiện nay.

Tại Hải Phòng, điện thoại thông minh sử dụng trong các hoạt động mua hàng hóa chiếm tỉ lệ cao nhất so với các phương tiện khác. Điện thoại thông minh còn được sử dụng trong nhiều ứng dụng di động, đặc biệt là hoạt động thanh toán trực tuyến.

Để phát huy lợi thế của thương mại điện tử trong thời gian tới tại Hải Phòng, ông Lê Đức Trường cho rằng, các doanh nghiệp cần có những hoạt động khảo sát chuyên sâu về thương mại điện tử di động và ứng dụng mạng xã hội trong các hoạt động thương mại của hai nhóm đối tượng là doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp cần tăng tính chủ động trong ứng dụng thương mại điện tử thông qua xây dựng kế hoạch dài hạn để đề xuất với các cơ quan quản lý về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn. Cung cấp nhiều hơn nữa các giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm thuận lợi, đặc biệt là việc vận chuyển hàng hóa và thanh toán trực tuyến.

Đối với các cơ quan chức năng, cần nắm rõ định hướng và chính sách phát triển thương mại điện tử quốc gia để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tăng cường hơn nữa vai trò đầu mối trong hỗ trợ, quản lý và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.

Hải Phòng là thị trường tiềm năng với hơn 2,1 triệu dân đang sinh sống, làm việc tại đây. Ngoài ra, thành phố này cũng là thị trường của người dân các tỉnh lân cận như Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương, nhất là các lĩnh vực liên quan đến y tế, giáo dục và hàng điện tử./.

Minh Thu/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực