Đơn giản hóa thủ tục thông quan theo hướng giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm

Thứ năm, 17/05/2018 18:32
(ĐCSVN) - Dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong cải cách thủ tục hành chính, theo Báo cáo chỉ số kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc trong việc tuân thủ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đó là đánh giá được đưa ra tại Hội thảo tham vấn để lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về cơ chế một của quốc gia và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 17/5 tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 đại diện từ các bộ ngành, hải quan địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: M.P)

Hội thảo được tổ chức để hỗ trợ các cải cách nhằm đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, bao gồm các thủ tục liên quan đến “cơ chế một cửa” và kiểm tra chuyên ngành. Các cải cách này sẽ làm giảm gánh nặng thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp bằng cách giảm thời gian thông quan và cắt giảm chi phí, qua đó góp phần vào cải thiện hiệu quả môi trường kinh doanh.

Cải cách thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong những năm gần đây. Nghị quyết 19 năm 2018 yêu cầu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25 - 27% hiện nay xuống dưới 10%.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã được quy định tại các Luật Nghị định, Thông tư của các Bộ, ngành khác nhau. Điều này đã dẫn đến một tình huống mà trách nhiệm quản lý của các cơ quan khác nhau bị trùng lặp, dẫn đến quy trình thủ tục thường không rõ ràng và không nhất quán, về lâu dài, cần có một văn bản chung nhất quán hướng dẫn cho tất cả các Bộ, ngành về cách tiến hành kiểm tra chuyên ngành và báo cáo thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Ông Nguyễn Công Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, “Cơ chế một cửa quốc gia” - được triển khai từ tháng 11/2014 - được xây dựng nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành và thông báo kết quả kiểm tra trực tuyến. Tính đến thời điểm hiện tại, cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối 11 Bộ trên tổng số 14 Bộ, ngành liên quan và 47/284 thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành đã được triển khai. Mặc dù đã có những thành tựu đáng kể trong cải cách thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành, phần lớn thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành vẫn chưa được triển khai trực tuyến – chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công.

Ông Bình nói cụ thể, hiện việc kiểm tra chuyên  ngành vẫn còn một số vướng mắc như vẫn có quy định chồng chéo, xung đột chưa được bãi bỏ nên 1 số mặt hàng bị thực hiện nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành, gây phiền hà và làm tăng chi phí thời gian của doanh nghiệp.

Hai là, thống nhất quản lý danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành chuẩn hóa còn chậm, nhiều mặt hàng chưa được gắn mã nên không đảm bảo thống nhất chuỗi kiểm tra của các cơ quan, nên việc ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý tự động giải quyết thủ tục chưa làm được. 

Ngoài ra, chưa áp chuẩn mực quốc tế trong kiểm tra chuyên ngành nên chưa giảm thời gian thông quan được.

Đánh giá chung của nhiều chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng, Nghị định mới sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành trực tuyến nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Nghị định cũng sẽ hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục thông quan theo hướng giảm tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm và sẽ thiết lập một cơ chế liên ngành để đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và USAID đã và đang hợp tác chặt chẽ trong việc triển khai nhiều cải cách về thủ tục hành chính góp phần tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đang phối hợp với USAID, thông qua Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện và các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các cải cách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và toàn diện./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực