Đồng Nai: 8/10 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Thứ tư, 11/07/2018 21:48
(ĐCSVN) – Theo Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Nai, đến nay, toàn tỉnh này đã có 8 đơn vị cấp huyện và 129/133 xã đạt các tiêu chí về nông thôn mới.
Chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả ở vùng nôn thôn mới Định Quán- Đồng Nai. (Ảnh: K.V)

Trong đó, huyện Xuân Lộc là một trong 4 huyện trên cả nước được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao. Nếu năm 2018, 2 huyện là Tân Phú, Định Quán đạt chuẩn nông thôn mới thì Đồng Nai sẽ trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, Đồng Nai cũng đã ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao nhằm đề ra những mục tiêu cao hơn cho các địa phương đã đạt chuẩn thực hiện. Đến nay, đã có 15 xã trên toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng đang tập trung lập đề án xây dựng Xuân Lộc trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững theo sự lựa chọn của Trung ương.     

Được biết, trong 10 năm qua (2008- 2018), tổng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt gần 330 nghìn tỷ đồng. Kết quả đầu tư này đã góp phần nâng thu nhập bình quân của người dân vùng nông thôn lên hơn 47,6 triệu đồng/người, tăng gấp 3,3 lần so với năm 2008. Cụ thể, năng suất của nhiều loại cây trồng như ngô, xoài, bưởi, sầu riêng, chôm chôm...đã tăng từ 3% đến 15%. Đồng Nai cũng là nơi có ngành chăn nuôi phát triển tập trung, năng suất lợn, gà, trứng cao nhất cả nước. Giá trị sản xuất nông nghiệp trong 10 năm qua cũng đã tăng hơn 4%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước. 

Theo ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, sau 10 năm thực hiện các nghị quyết của Trung ương và kế hoạch của tỉnh về phát triển nông nghiệp nông thôn, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh này đã đạt được những thành quả nhất định. Từ đó, tạo động lực phát triển cho sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp là khá toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn đã giúp nâng cao giá trị, hiệu quả, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của nông sản chủ lực của tỉnh. Đồng Nai hiện đã hình thành nhiều vùng cây, sản phẩm có khả năng xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương như: xoài Vĩnh Cửu, Định Quán, Xuân Lộc; cà phê Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ; sầu riêng Cẩm Mỹ, Long Khánh, Tân Phú… Ngoài ra, nhờ đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng các loại cây trồng, nhất là cây trồng chủ lực tăng lên rõ rệt.

Lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thủy sản cũng chuyển dịch đúng hướng. Hiện Đồng Nai là địa phương có đàn lợn lớn nhất cả nước, đàn gà đứng thứ nhì cả nước. Đặc biệt, nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao cũng đã được hình thành và phát triển. Sản lượng thủy sản cũng tăng nhanh nhờ phát huy tốt lợi thế về điều kiện tự nhiên phục vụ nuôi trồng. Hiện sản lượng thủy sản đạt gần 57.000 tấn, tăng 1,6 lần so với năm 2008.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có 47 chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ nông sản được duy trì triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các hình thức sản xuất tập thể, gắn kết nông dân nhằm tạo ra sản phẩm tốt, sản lượng lớn cũng được chú trọng phát triển.

Thời gian tới, Đồng Nai sẽ dồn sức để đưa 2 địa phương cuối cùng là huyện Định Quán và Tân Phú về đích. Từ đó, phấn đấu đưa tỉnh trở thành địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Để đạt được điều này, theo ông Phạm Việt Phương, Phó Giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, Sở sẽ tiếp tục phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, sẽ xây dựng cơ chế khuyến khích các nguồn vốn xã hội hóa khác tham gia xây dựng nông thôn mới cùng với nguồn vốn ngân sách./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực