Đồng Nai tập trung chi trả tiền hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi

Thứ năm, 03/10/2019 19:43
(ĐCSVN) – Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, đến nay đã có 1.351 hộ chăn nuôi lợn bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh này được nhận hỗ trợ, với tổng số tiền gần 202 tỷ đồng, đạt 37% tổng số tiền hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại.

Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh này đang yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy nhanh việc chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, Sở Tài chính cùng các sở, ngành liên quan khác cũng tăng cường công tác kiểm tra ở từng địa phương để kịp thời hướng dẫn, đảm bảo làm đúng, chặt chẽ về mặt quy định, hồ sơ, thủ tục chi trả.

Nhiều trang trại nuôi lợn ở Đồng Nai chỉ nuôi cầm chừng lợn thịt,

bỏ hẳn chăn nuôi lợn nái do dịch tả lợn châu Phi hành hoành (Ảnh: K.V)

Ngoài ra, các địa phương cũng phải quy trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân trong việc chi trả hỗ trợ, những trường hợp chậm trễ sẽ bị xử phạt, thậm chí kỷ luật để làm gương. Được biết, việc một số địa phương chậm trễ trong thực hiện chi trả tiền hỗ trợ gây rất nhiều khó khăn cho người chăn nuôi. Nguyên nhân của việc chậm chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi chủ yếu do vướng mắc về hồ sơ, thủ tục. Trong đó cũng có nguyên nhân do chính quyền cấp xã làm không đúng, không đủ hồ sơ phải bổ sung lại hoặc chưa thực hiện nghiêm nhiệm vụ này.

Theo ông Phạm Ngọc Vinh, Phó phòng Kinh tế huyện Long Thành, công tác chi hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại còn chậm, chủ yếu vì vướng mắc về quy trình, thủ tục hồ sơ. Trong đó có nguyên nhân một số xã trong quá trình lập thủ tục, hồ sơ không đúng quy định nên mất thời gian chỉnh sửa, thẩm định. Huyện Thống Nhất là địa phương có tổng số lợn bị tiêu hủy lớn nhất tỉnh Đồng Nai với 88 nghìn con, được xét chi hỗ trợ trên 100 tỷ đồng cho người chăn nuôi. Đến nay, huyện đã chi trả khoảng 1/3 số tiền cho trên 400 hộ chăn nuôi bị thiệt hại. Các trường hợp còn lại đều đã hoàn tất hồ sơ để sớm chi trả cho người chăn nuôi.

Thành phố Biên Hòa dự định trong tháng 9 này sẽ hoàn tất việc chi trả tiền hỗ trợ cho 59 hộ chăn nuôi phải tiêu hủy lợn do dịch. Theo bà Nguyễn Ngọc Liên, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Biên Hòa, Thành phố đã thành lập riêng Tổ thẩm định hồ sơ dịch tả. Theo đó, hồ sơ, thủ tục hỗ trợ dịch tả được đẩy nhanh nhưng vẫn đảm bảo đúng quy trình.

Hiện tổng đàn lợn của tỉnh Đồng Nai chỉ còn hơn 1,5 triệu con, giảm gần 49% so với trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Ngành chăn nuôi của tỉnh này đang phải nỗ lực tham gia tái đàn lợn để đảm bảo nguồn cung cho thị trường cuối năm. Tỉnh Đồng Nai cho biết là cũng sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp bảo toàn và phát triển đàn lợn giống vì đây là cơ sở để tái phát triển chăn nuôi trong thời gian tới.

Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết thêm, tỉnh sẽ hỗ trợ hết mức cho những doanh nghiệp quan tâm đến việc liên kết, hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư nuôi lợn theo hướng bền vững vì nó không chỉ góp phần giải quyết vấn đề đảm bảo nguồn thực phẩm cho thị trường mà còn giúp ổn định đời sống của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Ngọc Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Japfa Comfeed Việt Nam- chi nhánh Đồng Nai cho rằng, do mật độ chăn nuôi của Đồng Nai rất dày nên các trại giống đều được đầu tư ở các vùng sâu, vùng xa. Đồng Nai nên tập trung phát triển các trại lợn thịt vì gần thị trường tiêu thụ lớn là TP.Hồ Chí Minh. Chính vì thế, Đồng Nai chỉ nên khuyến khích phát triển các trại chăn nuôi quy mô lớn. Với chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ cho tái đàn ở những khu vực người chăn nuôi đã đầu tư hệ thống chuồng kín, đảm bảo an toàn sinh học.

Ngoài ra, việc tái đàn ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì chỉ nên tập trung phát triển đàn lợn thịt vì sớm có nguồn thu. Người chăn nuôi nhỏ lẻ không nên đầu tư cho đàn lợn nái vì đây là bài toán đầu tư lâu dài với sự chuyên nghiệp cao. Tỉnh nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chăn nuôi tiếp cận về quỹ đất cũng như nguồn vốn đầu tư ưu đãi để phát triển đàn lợn nái, sản xuất lợn giống cung cấp cho người chăn nuôi mới bảo đảm an toàn vệ sinh dịch bệnh. Được biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh Đồng Nai có 4.480 hộ chăn nuôi có lợn bị dịch tả lợn châu Phi với trên 391 nghìn con bị tiêu hủy, chiếm 15,7% tổng đàn.Hiện toàn tỉnh Đồng Nai cũng đã có 11 xã công bố hết dịch tả lợn châu Phi./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực