Giá mía tại ruộng giảm sâu

Thứ năm, 15/03/2018 16:36
Vào nửa cuối vụ mía đường 2017-2018 này, những người trồng mía thu hoạch muộn ở Sóc Trăng đang lỗ nặng vì giá mía giá giảm sâu. Giá bán mỗi công mía (1.300m2) chỉ bằng hơn nửa giá trị đầu tư.
Nông dân thu hoạch mía (Nguồn: VOV).

Một số hộ trồng mía ở ấp 1, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú cho biết, mỗi công mía, người trồng phải đầu tư tổng chi phí cả phân, giống, công chăm sóc hết từ 7-8 triệu đồng. Trong khi đó, ruộng mía của họ đang thu hoạch bán cho thương lái chỉ có 4,5 triệu đồng. Có những ruộng xa đường hay sông lớn còn bị ép ở mức 4 triệu đồng/công. Trung bình năng suất mỗi công mía đạt 12 tấn thì tính ra mỗi kg mía chỉ được giá từ 350 đến 400 đồng, trong khi giá nhà máy đường Sóc Trăng mua vào là 900 đồng/kg. Người trồng mía lỗ 3-4 triệu đồng mỗi công mía.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng, vụ mía đường năm nay rất khó khăn, giá mía loại 10 chữ đường được nhà máy thu mua ở mức 900 đồng/kg. Hiện công suất tiêu thụ mía cây mỗi ngày của nhà máy là 2.700 tấn mía/ngày để kịp tiêu thụ cho bà con. Tuy nhiên, nguồn mía của người trồng chủ yếu bán qua thương lái mua mão (tính theo công mía rồi thuê nhân công đốn mía vận chuyển tới nhà máy bán) nên trên thực tế người trồng thu được rất thấp.

Người trồng mía càng khó khăn hơn khi giá liên tục giảm trong những năm gần đây. Nhiều hộ trồng mía ở Sóc Trăng đang giảm dần diện tích để chuyển đổi từ sang cây ăn quả hoặc nuôi trồng thủy sản.

Tại huyện Cù Lao Dung, trong vòng 5 năm qua, diện tích mía từ trên 8.200 ha nay chỉ còn 6.300 ha mà vẫn còn tới hơn 4.000 ha mía chưa thu hoạch. Dự kiến sau vụ mía này, huyện sẽ tiếp tục chuyển đổi 900 ha đất trồng mía sang trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản và rau màu khác. Tại huyện Long Phú, có những năm trồng hơn 1.000 ha mía thì đến niên vụ 2017-2018 này chỉ còn hơn 300 ha.

Ông Kim Hen, Chủ tịch UBND huyện Long Phú cho biết, mấy năm gần đây, giá mía cứ giảm dần, người trồng không có lãi, năm nay lại lỗ nặng nên chính quyền khuyến cáo bà con chuyển đổi, tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều hộ đã chuyển một phần diện tích sang trồng rau màu và cây ăn trái; số ít gần vùng nước mặn chuyển sang nuôi tôm, cá. Nhưng, vốn đầu tư chuyển đổi là khá cao, mỗi ha cần tới khoảng 200 triệu đồng nên với người dân nghèo việc chuyển đổi cũng gặp khó khăn. Mặc dù một số hộ chuyển sang trồng lúa nhưng lợi nhuận cũng không cao.

Đã có năm, cuối vụ thu hoạch, người trồng phải đốt mía trên đồng do giá quá thấp, nếu thu hoạch càng lỗ thêm bởi tiền nhân công vận chuyển. Còn hiện nay, giá mía tại ruộng đang giảm sâu, người trồng bị thương lái ép giá, nhân công thiếu nên giá đội cao. Với diện tích mía sâu trong nội đồng, để thuê nhân công thu hoạch chuyển ra đường lớn hoặc sông cái phải chi phí 4 triệu đồng/công mía nên người trồng càng bị lỗ thêm. Không ít hộ trồng mía Sóc Trăng đang gặp khó và chưa biết phải làm gì, trồng gì trong vụ tới…/.

Trung Hiếu/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực