Hà Giang: Ứng dụng KHCN trong truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông sản

Chủ nhật, 19/05/2019 00:46
(ĐCSVN) - Hội thảo nhằm giúp cho doanh nghiệp, hợp tác xã hiểu biết rõ hơn về lợi ích việc sử dụng công nghệ và cách vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản hàng hóa, nâng cao uy tín, giá trị thương hiệu của những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa thế mạnh của tỉnh, góp phần phát triển bền vững nông nghiệp của tỉnh Hà Giang.

Ngày 17/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng KHCN trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản hàng hóa thế mạnh vụ phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh Hà Giang”.

Theo ông Vũ Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Khoa học vả Công nghệ Hà Giang: Việc ứng dụng KH&CN trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) nói riêng và đời sống xã hội toàn dân nói chung. Ở nước ta nói chung và trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa là một hoạt động còn khá mới mẻ. Đa số các doanh nghiệp, HTX và người tiêu dùng hiện nay cũng chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc truy xuất nguồn gốc và chưa hiểu đúng bản chất của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là nông sản thực phẩm tiêu dùng thiết yếu hàng ngày.

Ông Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang cho biết: Là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông sản như chè Shan tuyết, dược liệu, mật ong Bạc hà, cam sành, bò vàng, lợn đen… một số sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý như chè Shan tuyết, cam sành, mật ong Bạc hà, gạo Già Dui, hồng không hạt, sản phẩm thịt bò. Phát huy những tiềm năng lợi thế, những năm qua tỉnh ta đã sớm xác định việc phát triển hàng hóa nông sản là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp hàng hóa. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2017 và 2018, Sở Công thương Hà Giang đã hỗ trợ 2.558.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh. Việc triển khai ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tạo niềm tin với người tiêu dùng, giữ vững thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, một số sản phẩm nông sản chủ lực của Hà Giang đã được đưa vào tiêu thụ trong các siêu thụ, chợ đầu mối ở các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.

Quang cảnh Hội thảo


Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến: Việc ứng dụng KHCN trong truy xuất nguồn gốc có vai trò hết sức quan trọng đối với các sản phẩm nông sản có thế mạnh của tỉnh ta, giúp cho người tiêu dùng an tầm về các sản phẩm nông sản của tỉnh, tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Đồng thời nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho người sản xuất và cho các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Để thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng KHCN trong truy suất nguồn gốc hàng hóa, năm 2019 UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về lợi ích của việc ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa để tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp, hợp tác xã. Triển khai các giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, HTX tiếp cận được KHCN với nền kinh tế số, ứng dụng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông sản hàng hóa có thế mạnh. Các sản phẩm nông sản có thế mạnh của Hà Giang sẽ được mở rộng thị trường nhiều hơn nữa, góp phần đưa các sản phẩm nông sản có thế mạnh của Hà Giang đến tới đông đảo người tiêu dùng. Tìm ra cơ hội nhằm gắn kết giữa 4 nhà: “Nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà sản xuất và nhà tiêu thụ sản phẩm”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các chuyên gia ở Trung ương trình bày bài giảng, trao đổi thảo luận về những nội dung, yêu cầu, sự cần thiết của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nội địa và phục vụ cho sản xuất xuất khẩu; thực tế việc ứng dụng khoa học công nghệ trong truy xuất nguồn gốc tại các doanh nghiệp ở trong nước và ngoài nước; liên kết hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sản phẩm hàng hóa nông nghiệp cho xuất khẩu./.

 

Tin, ảnh: Minh Tâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực