Hà Nam: Phòng trừ sâu bệnh gây hại cho lúa Mùa

Thứ năm, 16/08/2018 23:41
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triền nông thôn Hà Nam, hiện lúa Mùa của tỉnh Hà Nam đang trong giai đoạn đẻ nhánh, phân hóa đòng và có nhiều đối tượng sâu, bệnh tập trung phát sinh, phát triển và gây hại.
Ảnh minh họa. Nguồn: VOV.

Theo đó, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 có mật độ trung bình 30 – 50 con/m2, nơi cao 100 – 120 con/m2, cục bộ hơn 150 con/m2 gây hại trên diện tích lúa trà sớm giai đoạn phân hóa đòng, phát triển đòng và một số diện tích lúa trà trung và muộn xanh tốt, ven làng. Tổng diện tích nhiễm của toàn tỉnh khoảng 5.000 ha. Rầy nâu – rầy lưng trắng lứa 5 cũng nở rộ, mật độ rầy trung bình từ 50 – 70 con/m2, nơi cao 250 – 300 con/m2, cục bộ ổ hơn 1.000 con/m2.

Đối tượng rầy còn nguy hiểm do là môi giới truyền bệnh virus lùn sọc đen. Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam chưa xuất hiện bệnh lùn sọc đen trên lúa nhưng bệnh đã có ở một số tỉnh lân cận. Ngoài ra, sâu đục thân 2 chấm lứa 4 đã vũ hóa và đang có hiện tượng dồn mật độ gây hại cục bộ trên các diện tích ven làng, mật độ ổ trứng nơi cao 1 ổ/m2…

Theo ông Bạch Văn Huy, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, các đối tượng sâu, bệnh trên lúa Mùa hiện nay của tỉnh Hà Nam diễn biến phức tạp và có mật độ cao hơn vụ mùa trước. Do đây là giai đoạn quan trọng trong sinh trưởng, phát triển của cây lúa nên Chi cục tập trung chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể đến các địa phương trong công tác phòng trừ sâu bệnh.

Theo đó, đối với sâu cuốn lá nhỏ hệ thống bảo vệ thực vật từ huyện đến cơ sở bám sát đồng ruộng, điều tra diễn biến mật độ, phát dục của sâu, phân vùng theo sinh trưởng của cây lúa; xác định cụ thể thời điểm trưởng thành vũ hóa rộ, sâu non nở rộ để phun trừ. Với đối tượng rầy nâu – rầy lưng trắng, đây là đợt phun trừ rất quan trọng nhằm hạn chế diện tích nhiễm bệnh đến cuối vụ. Chi cục phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân tổ chức phun trừ ở những nơi có mật độ rầy từ 100 con/m2 trở lên khi rầy chủ yếu tuổi 1, 2 bằng các loại thuốc đặc trị rầy nội hấp theo liều lượng, nồng độ hướng dẫn trên bao bì. Sâu đục thân 2 chấm, phun trừ khi mật độ ổ trứng từ 0,3 ổ/m2  trở lên vào giai đoạn lúa thấp tho trỗ 1 – 5% số bông.

Hiện, cán bộ chuyên ngành bảo vệ thực vật của Hà Nam tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra đồng ruộng. Từ đó, kịp thời phát hiện diễn biến bất thường của sâu, bệnh (nếu có), cũng như theo dõi chặt chẽ bệnh virus lùn sọc đen Phương Nam… để chỉ đạo nông dân phun trừ. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ chặt chẽ phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp) để nâng cao hiệu quả phòng trừ, tiết kiệm kinh phí và bảo vệ môi trường./.

Nguyễn Chinh/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực