Hậu Giang: Tập trung sản xuất cây ăn trái năng suất, chất lượng cao

Thứ ba, 05/11/2019 15:12
(ĐCSVN) – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, hiện diện tích trồng cây ăn trái của tỉnh là hơn 39.000ha. Trong đó, cây có múi 15.455ha, cây dứa 2.285ha, cây mít 3.385ha, cây xoài 3.398ha, còn lại là cây ăn trái khác.

Theo đó, năng suất cây ăn trái các loại ở Hậu Giang đạt bình quân 13 tấn/ha, sản lượng hơn 358.000 tấn/năm. Với diện tích trên, so với năm 2016, toàn tỉnh Hậu Giang đã tăng thêm trên 4900 ha cây ăn trái.

Thời điểm này, nhiều sản phẩm cây ăn trái của tỉnh Hậu Giang đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, đó là Bưởi Năm Roi Phú Thành Hậu Giang, Cam sành Ngã Bảy, Dứa (khóm) Cầu Đúc, Chanh không hạt Hậu Giang, Quýt đường Long Trị, Cam xoàn Phụng Hiệp, Xoài cát Hậu Giang.

Các loại nông sản trên đều có điểm sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng đã cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP cho 10 địa điểm, với diện tích được công nhận là trên 164 ha.


Mô hình sản xuất cây ăn trái gắn với du lịch miệt vườn
đang được mở rộng ở Hậu Giang (Ảnh: K.V)

Do có sự gắn kết giữa nông dân với các doanh nghiệp, nên đầu ra cho các nông sản ở Hậu Giang tương đối được đảm bảo, nhất là những loại nông sản đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh với mức giá có lợi cho người sản xuất, nhiều loại quả đã thành thương hiệu của Hậu Giang từ những năm qua như dứa, cam sành…được xuất ra các thị trường trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Văn Thật, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phước, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành cho hay, với mục tiêu nâng cao giá trị của cây chanh không hạt, các thành viên và Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã đã xác định từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng phải được thực hiện tốt để góp phần giảm giá thành, tăng giá trị sản xuất cho thành viên. Chính vì vậy, Hợp tác xã đã tổ chức sản xuất và cung cấp cây giống sạch bệnh cho thành viên cũng như người dân bên ngoài. Đến vụ thu hoạch, Hợp tác xã đã đứng ra tổ chức thu mua, sơ chế biến, đóng gói và lo đầu ra tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cho thành viên. Từ đó, góp phần giảm áp lực đầu cơ, tránh qua nhiều công đoạn để thương lái ép giá

Ngoài ra, mô hình nhà vườn kết hợp với du lịch ở Hậu Giang cũng góp phần tiêu thụ sản phẩm trái cây đến với người tiêu dùng. Huyện Châu Thành A có gần 5.000ha vườn cây ăn trái, tập trung nhiều ở xã Thạnh Xuân, Tân Phú Thạnh, Nhơn Nghĩa A, Tân Hòa, thị trấn Rạch Gòi và Bảy Ngàn, chủ yếu là các loại cây đặc sản như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, măng cụt, cam,... Huyện đã tổ chức cho nông dân tham dự Hội thảo chung tay làm du lịch nông nghiệp và Diễn đàn Khuyến nông và nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển cây ăn trái đáp ứng thị trường xuất khẩu”. Qua đó, giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật, công nghệ và phát triển tốt hơn ý tưởng làm du lịch nông nghiệp.

Để phát huy giá trị thương hiệu của các loại cây ăn trái đặc biệt là cây có múi, mãng cầu, dứa…, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã triển khai và thực hiện chương trình phát triển nông sản chủ lực tỉnh Hậu Giang đến năm 2020. Đặc biệt là tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái tập trung theo chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ theo hướng bền vững, có đầu ra ổn định, đạt các tiêu chí để cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và truy xuất nguồn gốc. Tăng cường công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các kết quả phòng trừ các loài sinh vật gây hại chưa, hoặc khó phòng trừ.

Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đặc biệt quan tâm đến thực hành nông nghiệp tốt, sử dụng các biện pháp sinh học, công nghệ sinh thái, chế phẩm thân thiện môi trường nhằm tạo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm trái cây. Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm giá thành; tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, đẩy mạnh sản xuất rải vụ thu hoạch. Tập trung sản xuất các loại cây trồng có năng suất và chất lượng cao, sản xuất các loại trái cây có thị trường tiêu thụ, tương đối phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong sản xuất nâng cao hiệu quả; kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch. Tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, sản xuất nông sản theo hướng sạch, an toàn hoặc tuân thủ theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Đồng thời rà soát, nâng cấp cơ sở hạ tầng và hệ thống thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện giúp người dân dễ chủ động kiểm soát mực nước trong mương vườn, giúp thúc đẩy sản xuất cây ăn trái của tỉnh phát triển. Xây dựng thương hiệu, chứng nhận bảo hộ quyền nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam cho các loại trái cây đặc sản…/..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực