Hiệu quả từ các mô hình khuyến nông, khuyến ngư ở Điện Biên

Thứ tư, 06/03/2019 15:19
(ĐCSVN) - Chủ động vượt qua khó khăn, những năm qua, hệ thống khuyến nông các cấp ở tỉnh Điện Biên đã không ngừng được củng cố và phát triển; thực hiện tốt vai trò “cầu nối” chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.

Thu hoạch cá lồng ở thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên (Ảnh: LP)

Theo đó, nhằm đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điên Biên đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thí điểm nhiều mô hình khuyến nông, khuyến ngư, bước đầu đem lại những kết quả tích cực.

Tiêu biểu như mô hình trình diễn ghép cải tạo nhãn được thực hiện trên địa bàn huyện Ðiện Biên và thành phố Điện Biên Phủ. Tận dụng những cây nhãn có sẵn để làm gốc ghép, cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân kỹ thuật ghép mắt, qua đó giúp phát triển giống nhãn mới cho năng suất, chất lượng cao hơn. Giống nhãn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên lựa chọn là PH-M99-1.1 có nguồn gốc từ tỉnh Hưng Yên, sai quả, to đều, vỏ mỏng, cùi dày, hạt nhỏ, chín muộn so với nhãn đại trà khoảng 20 ngày. Đến nay, bình quân mỗi gốc nhãn sau 2 năm ghép cải tạo đã cho thu hoạch, năng suất vào khoảng 50 kg quả/cây.

Chị Lò Thị Thơm ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên vui vẻ cho biết: Gia đình tôi có hơn 40 gốc nhãn già đã thoái hóa, hiệu quả kinh tế thấp. Nhờ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ thực hiện mô hình cải tạo giống nhãn, đến nay, số gốc nhãn được ghép đã phục hồi rất tốt, cho quả to, sai và rất thơm ngon. Vụ nhãn năm ngoái, tôi thu được gần 80 triệu từ tiền bán nhãn.

Tương tự, mô hình nuôi cá tầm, cá lăng, cá diêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm cũng đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người sản xuất. Được thực hiện tại thị xã Mường Lay (Điện Biên), các hộ tham gia mô hình sẽ được tập huấn, chia sẻ những giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng trong nuôi cá lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm; những kinh nghiệm trong quản lý, chăm sóc đàn cá lồng; một số bệnh thường gặp và biện pháp phòng trị bệnh trên các đối tượng cá; hiệu quả mô hình chuỗi liên kết và một số tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất cá giống và nuôi thương phẩm các đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao trong lồng bè… Theo tính toán, thu nhập bình quân từ nuôi cá lồng bè của các hộ tham gia mô hình đã tăng gấp 1,5 lần so với trước; nhiều hộ có thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/năm.

Tìm hiểu được biết, trong điều kiện kinh phí hàng năm phục vụ công tác khuyến nông, khuyến ngư khá hạn hẹp, song cơ quan khuyến nông, khuyến ngư các cấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã chủ động kết nối, liên hệ với các tổ chức có cùng mục tiêu để có kinh phí tổ chức các mô hình khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Tham gia mô hình trình diễn, nông dân được cấp phát cây, con giống, thức ăn, phân bón, thuốc phòng trừ dịch bệnh và được hỗ trợ, trang bị những kỹ thuật cơ bản trong sản xuất nông nghiệp. Do vậy quá trình triển khai nhận được sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân.

Nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao đã được người dân nhân rộng như: Mô hình trồng đào chín sớm ĐCS-1 tại xã Mường Phăng (huyện Điện Biên); trồng cà phê tại xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo); trồng đậu tương xen cây đào Pháp chín sớm tại xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông); nuôi cá lồng ở huyện Điện Biên, thị xã Mường Lay; nuôi dê ở huyện Mường Chà...


Mô hình chăn nuôi dê sinh sản đã giúp nhiều hộ nông dân ở huyện Mường Chà có thêm thu nhập (Ảnh: LP)

Đặc biệt, để các mô hình khuyến nông, khuyến ngư đạt hiệu quả cao, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên đã luôn chú trọng triển khai các lớp tập huấn, trang bị cho nông dân những kiến thức cơ bản về giống cây trồng, vật nuôi mới. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, hàng năm, cơ quan khuyến nông các cấp đã tổ chức khoảng 70 - 80 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng nghìn lượt nông dân trên địa bàn. Nội dung các cuộc tập huấn tập trung vào những kiến thức căn bản về kỹ thuật chăn nuôi: Gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản; kỹ thuật trồng lúa, cây ăn quả...

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên Ðinh Thị Thu Hà, các mô hình khuyến nông, khuyến ngư đã góp phần quan trọng giúp thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của nông dân. Thông qua thực hiện các mô hình và tham gia các lớp tập huấn, người nông dân đã dần thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm; từ đó giúp bà con nắm chắc kỹ thuật, biết bố trí thời vụ, sử dụng giống mới và phân bón hợp lý; biết cách phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm, chế biến và bảo quản thức ăn hợp lý, đảm bảo vệ sinh... Nhờ đó, hiệu quả chăn nuôi, trồng trọt được nâng cao, đời sống người dân dần được phát triển.

Tuy nhiên, do địa hình trải rộng, dân cư phân tán và nguồn kinh phí bảo đảm chưa nhiều nên nhìn chung, các mô hình khuyến nông, khuyến ngư ở Điện Biên còn nhỏ về quy mô, hạn chế về số lượng trong khi nhu cầu thực tế của nông dân là rất lớn. Vì vậy, mong mỏi chung của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông, khuyến ngư và người dân địa phương là có sự hỗ trợ nhiều hơn của Nhà nước cùng các cơ quan chuyên môn để nâng cao hiệu quả của các mô hình khuyến nông, khuyến ngư.

Có thể thấy, với việc thực hiện có hiệu quả các mô hình trình diễn, thời gian qua, cơ quan khuyến nông, khuyến ngư các cấp ở Điện Biên đã góp phần quan trọng trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với đồng bào các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua những mô hình khuyến nông, khuyến ngư, đã có hàng nghìn hộ dân được tiếp cận với phương thức sản xuất nông nghiệp mới. Nhờ đó, nông dân dần thay đổi tư duy làm kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo trên chính mảnh đất của mình./.

Bài, ảnh: Lan Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực