Hòa Bình nâng cao hiệu quả hoạt động các cấp Hội Nông dân

Thứ năm, 13/12/2018 15:06
(ĐCSVN) - Với những cách làm sáng tạo, các cấp Hội Nông dân tỉnh miền núi Hòa Bình đã thực sự đồng hành cùng hội viên, nông dân phát triển sản xuất; góp phần quan trọng trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới…

Hội viên, nông dân huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) tích cực sản xuất, nâng cao đời sống (Ảnh: TH).

Những năm qua, trên cơ sở phát huy vai trò nòng cốt, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã làm tốt việc tập hợp, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chủ động trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nhiều sản phẩm lợi thế. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phân nông dân được cải thiện, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2017 đạt 22,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%/năm, hàng năm tạo việc làm cho khoảng 16.500 lao động.

Cùng với đó, xác định phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là nội dung hoạt động trọng tâm, nòng cốt và có ý nghĩa quan trọng, Hội Nông dân các cấp đã bám sát Nghị quyết của Trung ương Hội, Nghị quyết của Tỉnh ủy và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tổ chức phát động phong trào sâu rộng tới toàn thể cán bộ, hội viên. Các cấp Hội đã thường xuyên vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn, vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát huy thế mạnh của từng vùng, từng địa phương để phát triển sản xuất hành hóa hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh tạo khối lượng hàng hóa lớn, đáp ứng yêu cầu thị trường. Nhiều nông sản hàng hóa chất lượng cao có thương hiệu đã có mặt tại các trung tâm thương mại, hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 550 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, phương pháp lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, bảo quản chế biến thức ăn, sản phẩm nông nghiệp an toàn, trồng ngô, bí xanh, chăn nuôi gia súc gia cầm, sử dụng phân bón cho trên 35 nghìn lượt hội viên, nông dân.

Đặc biệt, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình còn chủ động ký chương trình phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để tăng cường nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn dịch vụ xây dựng các mô hình kinh tế, hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất. Từ đầu năm 2018 đến nay, Hội đã thực hiện các hoạt động dịch vụ cung ứng 180 tấn thuốc bảo vệ thực vật và 420 tấn giống các loại theo hình thức trả chậm, tư vấn việc sử dụng phân bón, thức ăn chăn nuôi và các chế phẩm sinh học đảm bảo môi trường; cung ứng trên 4.565 tấn phân bón theo phương thức trả chậm cho hội viên, nông dân. Đến nay, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân, đông đảo hội viên, nông dân đã thực hiện thành công hàng trăm mô hình sản xuất như: Trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP ở Cao Phong; trồng rau hữu cơ Lương Sơn; nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình, Đà Bắc, Cao Phong, thành phố Hòa Bình; vỗ béo trâu bò ở Lương Sơn, Tân Lạc; chăn nuôi lợn bản địa, gà đồi ở Lạc Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi… Trong đó, nhiều mô hình sản xuất mang lại thu nhập cao từ 100 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng/năm. Chị Bùi Thị Biên, hội viên nông dân ở xã Đông Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) chia sẻ: “Sự hỗ trợ của Hội Nông dân đã giúp gia đình tôi phát triển mô hình chuyên canh cam trên đất đồi. Bình quân hàng năm, sau khi trừ chi phí gia đình tôi đều có thu nhập từ 550 – 600 triệu đồng”.

Một điểm nổi bật khác trong hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình thời gian qua, đó là đã động viên hàng vạn hội viên, nông dân tham gia có hiệu quả phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội đã cụ thể hóa phong trào thi đua thông qua các hoạt động công tác Hội, như: Nông dân phát huy nội lực, đóng góp ngày công, vật liệu, hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng… Vai trò của hội viên, nông dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới còn được phát huy gắn với các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh”; tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn; gia đình nông dân ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Cán bộ, hội viên đã tích cực tham gia các phong trào văn nghệ, thể thao; tiên phong trong thực hiện quy ước, hương ước ở làng, bản, văn minh nơi đô thị, tham gia lễ hội truyền thống tại địa phương góp phần khôi phục và giữ gìn nét văn hóa bản sắc dân tộc. Phát động thi đua đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”. Riêng năm 2018, đã có hơn 95.300 hộ nông dân đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”. Các cấp Hội cũng xây dựng được 210 mô hình bảo vệ môi trường ở nông thôn, 13 mô hình chi Hội Nông dân tự quản bảo vệ môi trường tại 13 xã điểm về xây dựng nông thôn mới, đơn vị có phong trào khá là Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu…

 


Hội viên, nông dân thành phố Hòa Bình tham gia môn đẩy gậy truyền thống của dân tộc Mường (Ảnh: TH)

Bên cạnh những kết quả nói trên, hoạt động của các cấp Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình còn có những hạn chế như: Công tác tuyên truyền giáo dục có thời điểm nội dung chưa thật sự phong phú, sát với thực tế, hình thức thiếu sinh động nên hiệu quả chưa cao; chất lượng hoạt động của một số chi, tổ Hội còn hạn chế, nội dung sinh hoạt chưa thiết thực; việc hỗ trợ, hướng dẫn có lúc chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của hội viên, nông dân… Theo đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình chia sẻ, tuy còn có những hạn chế nhất định song hiệu quả hoạt động của các cấp Hội đã được nâng lên. Hội đã thực sự trở thành điểm tựa quan trọng để khẳng định, phát huy vai trò của hội viên, nông dân trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Được biết, thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân, các cấp Hội ở Hòa Bình cũng sẽ tăng cường nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, nông dân để từ đó đa dạng hóa các hình thức, biện pháp hỗ trợ; chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; động viên hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở địa phương…

Với những cách làm cụ thể, hiệu quả, có thể nói, các cấp Hội Nông dân ở tỉnh miền núi Hòa Bình đã không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội mà còn thực sự trở thành người bạn đồng hành tin cậy của đông đảo hội viên, nông dân trong toàn tỉnh./.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực