Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam vừa thiếu vừa yếu

Thứ năm, 22/08/2019 15:31
(ĐCSVN) - Tăng trưởng không đều của HDVDL sử dụng các ngoại ngữ, hiện tượng sử dụng bằng cấp/chứng chỉ giả, trình độ nghiệp vụ và kỹ năng nghề chưa đáp ứng yêu cầu… là những vấn đề “nóng” về công tác quản lý, đào tạo trình độ, nghiệp vụ, đạo đức cho lực lượng HDVDL được đưa ra tại hội thảo “Tăng cường quản lý hướng dẫn du lịch” diễn ra ngày 21/8, tại Đà Nẵng.

Không đủ HDV vào thời điểm cao điểm khách quốc tế

Theo Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), hiện cả nước có hơn 15.500 HDVDL quốc tế, trong đó 51,85% tiếng Anh, 25,52% tiếng Trung Quốc, 8% tiếng Pháp, 3,5% tiếng Nhật, 2,71% tiếng Nga, 2,28% tiếng Đức, 1,95% tiếng Hàn… Chính sự không cân đối giữa số lượng HDV quốc tế các ngôn ngữ với lượng du khách dẫn đến sự thiếu hụt cục bộ HDV ngôn ngữ ít thông dụng vào mùa cao điểm như tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Nga. Tính đến tháng 8/2019, đã có trên 25.500 HDV được cấp thẻ hoạt động trong lịch vực du lịch.

Đại diện Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch trình bày tại Hội thảo (Ảnh: Anh Tuấn)

Các tiêu chuẩn và yêu cầu về công tác hướng dẫn đã được quy định rất rõ trong Luật Du lịch 2017 (thay thế Luật Du lịch 2005). Tuy nhiên, chính sự tăng trưởng của khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hướng dẫn viên, điểm đến du lịch đã tạo áp lực không nhỏ cho công tác quản lý về du lịch nói chung và công tác quản lý hướng dẫn du lịch nói riêng.

Theo Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung thì chỉ riêng năm 2018, Việt Nam phục vụ trên 15,5 triệu lượt khách quốc tế, 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế được cấp phép là 2.297, cùng với đó là 29.000 cơ sở lưu trú trải dài khắp cả nước với trên 590.000 buồng, trong đó có 146 khách sạn 5 sao, 280 khách sạn 4 sao… Đơn cử tại thành phố Đà Nẵng, trong năm 2018 đã đón hơn 7,6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế trên 2,8 triệu lượt và khách nội địa ước 4,7 triệu lượt. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 24.060 tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2017.

Cùng với sự tăng trưởng của ngành du lịch thì hiện nay, có nhiều vấn đề nảy sinh từ thực tế, trong đó đáng chú ý như sự tăng trưởng không đồng đều của HDVDL sử dụng các ngoại ngữ khác nhau; trình độ, đạo đức nghề nghiệp có biểu hiện xuống cấp, thể hiện ở các hành động như cắt xén một số dịch vụ trong chương trình tour, một số doanh nghiệp sử dụng sitting guide để đối phó với cơ quan chức năng và tiếp tay cho người nước ngoài hướng dẫn trái phép…

Tại TP. Đà Nẵng, HDV tiếng Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Ý, Tây Ban Nha chưa đáp ứng đủ số lượng. Đội ngũ HDV tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha còn thiếu và đều đã lớn tuổi. Sự phát triển nóng về thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc dẫn đến việc thiếu HDV tiếng Hàn.

Thống kê sơ bộ chỉ rõ mỗi năm (từ năm 2016) các Sở quản lý mảng du lịch ở địa phương phát hiện, thu hồi trên 200 thẻ HDVDL do sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả. Cụ thể, sử dụng bằng Cao đẳng hoặc Đại học ngoại ngữ để được cấp thẻ HDVDL quốc tế, số ít còn lại sử dụng bằng cấp giả để xin cấp thẻ HDVDL nội địa. Vì điều kiện thực hiện cấp đổi thẻ theo quy định rất ngắn, các địa phương có ít thời gian để thẩm định hồ sơ nên không thể kịp thời phát hiện, công tác phối hợp với các cơ sở đào tạo kiểm tra bằng cấp diễn ra thường xuyên, nhưng trong thời gian đó vẫn phải cấp thẻ cho người lao động. Đó là một trong những nguyên nhân xuất hiện những HDV không chất lượng từ bằng cấp giả.

Hiện Tổng cục Du lịch đã triển khai phần mềm rà soát các trường hợp sử dụng bằng cấp giả để xin thẻ, tích cực hỗ trợ ngăn chặn tình trạng không xin được thẻ ở Sở này thì đến Sở khác.

Phát triển đồng bộ số lượng và chất lượng

Nhằm hoàn thiện những tiêu chí cần thiết trong lực lượng HDV, Hội HDVDL Việt Nam đã tổ chức 8 đợt xếp hạng cho hơn 400 HDVDL tại các địa phương phát triển du lịch mạnh là Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Quảng Ninh và Khánh Hòa.

“Việc xếp hạng này tạo sự lan tỏa, động viên và khích lệ mạnh mẽ, góp phần giúp HDV học tập nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách cũng như có nhìn nhận, đánh giá tốt từ xã hội, nhất là khi “ngành công nghiệp không khói” đang dần phát triển theo hướng xanh và bền vững”, ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội HDVDL Việt Nam chia sẻ.

Các điểm đến nổi tiếng của Việt Nam (Ảnh: Internet)

Ngoài yếu tố năng lực, kỹ năng, văn hóa… thì HDVDL là một nghề vất vả và nguy hiểm. Các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị quản lý cũng cần nghiên cứu việc tôn vinh người lao động trong quản lý và hướng dẫn du lịch, đảm bảo tương đối sự công bằng trong môi trường làm việc cũng như thu nhập.

Tổng cục Du lịch trực tiếp chịu trách nhiệm về danh sách HDVDL có thẻ được đăng tải trên trang web huongdanvien.vn (triển khai từ năm 2008), cùng với đó tích hợp thông tin mã phản ứng nhanh (QR code) trên phần mềm quản lý HDVDL, nhằm định hướng lựa chọn dịch vụ hướng dẫn của doanh nghiệp, nhân dân và du khách, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành trong thời gian tới đây.

Bên cạnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng HDVDL của các doanh nghiệp, Tổng cục Du lịch cũng kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ sở đào tạo cập nhật chương trình phù hợp khu vực và thế giới, có thêm nhiều hoạt động hướng nghiệp cho sinh viên từ lúc tuyển sinh đến khi tốt nghiệp, nhất là đạo đức nghề, chú trọng thực hành và kết nối, giới thiệu cơ hội việc làm…

Sau Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi Thông tư 06 về quy định chi tiết thi hành Luật Du lịch, trong đó tập trung nội dung HDVDL phải có trình độ và có tâm với ngành để đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Mục tiêu ngành du lịch năm 2020: thu hút 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD, tạo 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

Năm 2030, tổng thu từ khách du lịch tăng gấp 2 lần năm 2020.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực