Huy động nhiều nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thứ hai, 20/08/2018 21:35
Tỉnh Kiên Giang huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: tapchitaichinh.vn)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, từ năm 2015 đến nay, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hơn 34.800 tỷ đồng, đạt 45% so với kế hoạch vốn thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, gồm các nguồn: ngân sách, các thành phần kinh tế và nhân dân đóng góp.

Tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, tỉnh đã nâng cao hiệu quả đầu tư công, đầu tư phát triển các dịch vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản hàng hóa, sức cạnh tranh cao trên thị trường. Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện lồng ghép các nguồn vốn khác như: chương trình 30a, chương trình 135, xây dựng nông thôn mới,… để đầu tư cho các dự án sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án, quy hoạch phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020 và những năm tiếp sau. Cụ thể như đề án phát triển giống gia súc, gia cầm và chương trình giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh; chương trình phát triển rừng sản xuất làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ; chương trình phát triển nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng; kế hoạch xây dựng nông thôn mới đến năm 2020; dự án rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp Kiên Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030…

Kiên Giang cũng chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh công tác khuyến nông, xây dựng thương hiệu nông sản và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về cây trồng, vật nuôi, phương thức canh tác mới đã góp phần nâng cao nhận thức của nông dân trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập.

Đặc biệt đã thu hút một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao như: vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 650 ha nuôi trồng và chế biến thủy sản của Công ty cổ phần Trung Sơn; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô hơn 760 ha liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo của Công ty cổn phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An; liên kết sản xuất và tiêu thụ rau sạch của Công ty cổ phần nông trại sinh thái.

Đến nay, tỉnh có 21 sản phẩm nhãn hiệu tập thể, chủ yếu có nguồn gốc từ nông nghiệp. Những sản phẩm này đã và đang tham gia vào thị trường được đánh giá cao như: khóm Tắc Cậu, khô cá sặc rằn U Minh Thượng, gạo 1 bụi trắng U Minh Thượng,…; nhiều đối tượng nông sản, thủy sản đã được chứng nhận VietGAP; mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại Hợp tác xã Thạnh An, huyện An Minh đạt chứng nhận quốc tế USDA; chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm truyền thống nước mắm Phú Quốc được Cộng đồng Châu Âu chấp nhận,…

Về lĩnh vực cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, tỉnh Kiên Giang đầu tư xây dựng hệ thống cống thủy lợi trên tuyến đê phục vụ ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, thoát lũ; nạo vét hàng ngàn km kênh mương, nâng cấp công trình thủy lợi nội đồng, xây dựng trạm bơm. Tỉnh cũng đầu tư xây dựng, nâng cấp và đưa vào sử dụng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão như: Lình Huỳnh, Hòn Tre, An Thới, Xẻo Nhàu,… phục vụ phát triển kinh tế khai thác đánh bắt hải sản và hậu cần nghề cá.

Đồng thời, xây dựng giao thông nông thôn với 100% số xã trong đất liền có đường ô tô đến trung tâm; 60% đường ấp, liên ấp nhựa hóa, bê tông hóa; hệ thống đường nội xã, liên vùng cứng hóa đạt 78% theo quy định xã nông thôn mới. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 98,6%, điện lưới quốc gia kéo về vùng lõm, vùng sâu, vùng xa, hai huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải và xây dựng trạm phát điện trên các đảo.

Tỉnh đầu tư nâng cấp công nghệ, thiết bị các nhà máy chế biến xay xát gạo; xây dựng nhà máy sản xuất ván MDF công suất 75.000 m³/năm. Chế biến và xuất khẩu thủy sản tập trung đầu tư theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, toàn tỉnh hiện có 14 nhà máy chế biến thủy sản dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại, triêu chuẩn kỹ thuật cao với tổng công suất 138.000 tấn/năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng nhấn mạnh: từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp sau, tỉnh khuyến khích, mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, từng bước xã hội hóa cung cấp một số dịch vụ công sang cho tư nhân và các tổ chức xã hội thực hiện.

Tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực vận hành, bảo trì hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng nông thôn, nghiên cứu ứng dụng kho học nông nghiệp, dịch vụ khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách, các thành phần kinh tế và nhân dân đóng góp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh./.

Lê Huy Hải/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực