Khẩn cấp xử lý tại điểm nóng, tìm giải pháp lâu dài trong phòng chống sạt lở

Thứ ba, 27/08/2019 07:41
(ĐCSVN) - Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm trưởng đoàn vừa tiến hành khảo sát khu vực sạt lở nghiêm trọng tại An Giang, Kiên Giang và Cà Mau, từ đó, đề xuất với Chính phủ các giải pháp nhằm khắc phục, bảo vệ khu dân cư phía trong đoạn sạt lở.

Theo đó, đoàn có chuyến kiểm tra thực tế tình hình sạt lở bờ đê, bờ biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau và khảo sát khu vực sạt lở nghiêm trọng tại Quốc lộ 91, tỉnh An Giang cũng như các điểm sạt lở nghiêm trọng của Kiên Giang  và tìm hiểu về tình hình sạt lở đang “bủa vây” Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đoàn công tác kiểm tra thực tế sạt lở và đối chiếu trên bản đồ. (Ảnh: MPI)

Thực tế, hiện tượng mưa, nắng thất thường, nước biển lấn sâu cùng với việc sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển và thậm chí xuất hiện nhiều vết rạn nứt với diện tích rộng trên đường quốc lộ cùng các đường liên tỉnh khác khiến người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bất an, chịu nhiều áp lực.

Theo số liệu thống kê từ các địa phương ở ĐBSCL được đăng tải trên truyền thông trong nước, từ đầu năm 2019 đến nay, mặc dù đang là mùa khô nhưng tình trạng sạt lở đất ven bờ sông tại Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp đã làm sụp đổ nhiều căn nhà, cuốn trôi nhiều tài sản của người dân ĐBSCL, gây thiệt hại lên tới nhiều tỷ đồng.

Vụ mới nhất diễn ra hôm 29/7 tại Cần Thơ, năm căn nhà cặp sông Cái Sắn, ven quốc lộ 80 huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ bị sạt lở hư hỏng nặng nề và hai căn nhà đã bị cuốn trôi ước tính thiệt hại gần tỷ đồng. Trước đó, ngày 28/7 xuất hiện tình trạng rạn nứt mặt đường trên quốc lộ 91, tuyến giao thông quan trọng từ Long Xuyên đi Châu Đốc sang Campuchia cũng có nguy cơ sạt lở xuống dòng sông Hậu. Đến 5h ngày 20/8, sạt lở tiếp tục xảy ra, mặt đường QL91 chỉ còn lại 1m.

Cũng theo thống kê, toàn vùng ĐBSCL có 564 điểm sạt lở với chiều dài trên 834 km. Trong đó sạt lở bờ sông là 512 điểm, 566 km, diễn ra chủ yếu dọc theo sông Tiền, sông Hậu, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL đang diễn ra ngày càng phức tạp và có mức độ gia tăng về phạm vi, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm mất từ 300-500 ha đất vì sạt lở.

Đoàn công tác xuống thực địa khu vực sạt lở. (Ảnh: MPI)

Có thể thấy, những năm qua, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, trong đó tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là sạt lở dọc theo các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, Sông Bình Di... gây thiệt hại rất lớn.

Chỉ tính riêng 8 tháng năm 2019, toàn tỉnh An Giang đã xảy ra 17 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài 1.294 m. Tình trạng sạt lở còn xảy ra trên các kênh, rạch nối với sông chính diễn biến phức tạp, tăng về số lượng.Tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ xem xét việc đầu tư dự án kiên cố hóa Quốc lộ 91 với tổng chiều dài tuyến gia cố sạt lở khoảng hơn 2.000m; hỗ trợ tỉnh thực hiện Dự án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu quy mô chiều dài 2.379 m. Đồng thời, tỉnh kiến nghị được tiếp tục hỗ trợ kinh phí để đầu tư Dự án tuyến dân cư di dời dân khẩn cấp vùng sạt lở sông Hậu.

Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để xử lý sạt lở Quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, một cách triệt để cần xử lý khẩn cấp để ổn định đường bờ và mái ta luy, hạn chế sự phát triển của sạt lở, bảo vệ khu dân cư nằm phía sau tuyến Quốc lộ 91, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân. Về lâu dài, cần tính tới phương án bê tông hóa Quốc lộ 91 đoạn km87+965 đến km89+995; kết hợp với một số giải pháp phi công trình khác để hạn chế sạt lở một cách triệt để.

Dưới đây là một số hình ảnh sạt lở nghiêm trọng tại khu vực:

Những hình ảnh thực tế ghi nhận thực trạng sạt lở của vùng ĐBSCL. (Ảnh: MPI)
Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực