Không dám cam kết chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, trái phép

Thứ tư, 16/08/2017 14:59
(ĐCSVN)- Sáng 16/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị; việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị.

                                        Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn sáng 16/8. Ảnh: VA

Làm rõ vấn đề quản lý quy hoạch đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, quy hoạch đô thị vừa qua được quan tâm cả về xây dựng thể chế, tổ chức thực hiện và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quy hoạch đô thị còn có những hạn chế, mà nổi bật là: Chất lượng lập quy hoạch (tầm nhìn chưa đảm bảo, chưa phù hợp thực tiễn, tính khả thi chưa tốt...); vấn đề khớp nối, thống nhất, đồng bộ giữa các loại quy hoạch, như: Quy hoạch hạ tầng khớp nối với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết…; quy hoạch chưa tính tới nguồn lực, tiến độ thực hiện... dẫn tới tình trạng quy hoạch treo...

 

Về hạn chế trong khâu tổ chức quy hoạch, theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, khâu này thường thực hiện chậm, không đồng bộ, chắp vá, đáng lẽ phải làm trước thì lại làm sau; đáng lẽ phải làm toàn phần thì lại làm một phần. Nguyên nhân do các cơ quan quản lý nhà nước chưa làm đúng chức trách của mình.

 

“Khi có quy hoạch chúng ta cần phải xây dựng các kế hoạch, chương trình để thực hiện kế hoạch đó, kèm theo đó là dự án trọng tâm, trọng điểm, công khai quy hoạch, cung cấp thông tin đầy đủ về quy hoạch như: cắm mốc giới…. Tất cả khâu này thường chậm” – Bộ trưởng dẫn chứng. Thêm nữa, việc thanh tra, kiểm tra không thường xuyên, xử lý đối với những vụ việc chưa thống nhất, kịp thời và tạo những tiền lệ không tốt cho những vi phạm sau.

 

Một câu hỏi đặt ra về việc có hay không trục lợi trong quy hoạch, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, về tổng thể chúng ta thực hiện tốt, nhưng trong một số trường hợp cụ thể có dấu hiệu của trục lợi. Bộ trưởng nhận trách nhiệm nguyên nhân trong xây dựng thể chế, tính toán các tiêu chí phát triển trong xây dựng quy hoạch; thủ tục trình tự quy hoạch còn phức tạp, còn nặng về mục tiêu quản lý, thiếu tính khả thi...

 

Tới đây, Bộ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện các quy định, thể chế quy hoạch theo hướng bảo đảm hiệu quả đầu tư phát triển, xây dựng hiệu quả nguồn vốn xã hội; bảo đảm chất lượng an toàn công trình nhưng đồng thời thực hiện mục tiêu chống tiêu cực, lãng phí, thất thoát nguồn lực xã hội của đất nước.

 

Cụ thể, Bộ sẽ rà soát lại các phương pháp tính, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chỉ tiêu liên quan để sửa đổi, loại bỏ một số thủ tục, quy trình không cần thiết, trùng lặp, mâu thuẫn,... ví dụ: trong cấp phép xây dựng, thẩm định dự án... Đồng thời tăng cường phối hợp với các địa phương trong tổ chức, theo dõi thực hiện quy hoạch đặc biệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, lợi ích nhóm trục lợi quy hoạch; tăng cường sự giám sát của nhân dân trong xây dựng, thực hiện quy hoạch....

 

Khó chấm dứt tình trạng xây dựng không phép

 

Về tình trạng xây dựng không phép, trái phép, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận, đây là thực tế có thật. Dù thời gian qua đã có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn rất lớn. Do vậy, cần tăng cường quản lý nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Nguyên nhân là do việc cấp phép còn hạn chế, chủ đầu tư cố tình vi phạm giấy phép, cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra không kịp thời, xử lý vi phạm không dứt điểm...

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng cam kết khi nào chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, trái phép? Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thẳng thắn chia sẻ: “Mặc dù hết sức có trách nhiệm nhưng cũng không dám cam kết chấm dứt vì đây là vấn đề khó, mà chỉ cam kết trong thời gian ngắn sẽ giảm tình trạng xây dựng không phép, trái phép. Việc này cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, giữa trung ương với địa phương. Trong năm nay, Bộ sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra một số công trình, dự án có quy mô sử dụng quỹ đất lớn; hoàn thiện chế tài xử lý, đủ khả năng răn đe; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về xây dựng...”

 

Đề cập tình trạng lấn chiếm đất đai trong đô thị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà bày tỏ, hiện nay có tình trạng sử dụng đất trong đô thị chưa hiệu quả, đặc biệt là tình trạng nôn nóng, mở rộng diện tích đô thị, dẫn tới tình trạng phân tán đầu tư xây dựng trên diện rộng thay vì chúng ta tập trung một số trung tâm có liên kết với các khu vực khác để sử dụng đất có hiệu quả hơn… Thời gian tới cần đổi mới cơ chế quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị.

 

Trả lời câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của Bộ Xây dựng để xảy ra ùn tắc giao thông đô thị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận, là do cấp phép xây dựng các khu đô thị, các chung cư cao tầng chưa hợp lý dẫn tới quá tải hạ tầng. Mặc dù các văn bản pháp luật về quy hoạch xây dựng đã quy định cụ thể, kỹ lưỡng (về mật độ, hệ số, chỉ giới sử dụng đất, chỉ tiêu xây dựng, cảnh quan, kiến trúc...) song chưa được thực hiện nghiêm trong quá trình xây dựng quy hoạch hoặc triển khai thiếu đồng bộ quy hoạch... Trước mắt, Bộ trưởng đề nghị các địa phương, đặc biệt các thành phố lớn phải tuân thủ nghiêm quy hoạch chi tiết trong phê duyệt đầu tư các dự án, có kế hoạch thực hiện đồng bộ hạ tầng khi xây dựng các khu dân cư.../.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực