Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn

Thứ sáu, 12/01/2018 16:14
(ĐCSVN) - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã bước sang giai đoạn 2 (2016-2020). Rút kinh nghiệm từ giai đoạn đi trước cùng sự chủ động hơn của các địa phương hứa hẹn chương trình xây dựng NTM sẽ đạt được những kết quả tích cực mới, đặc biệt trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

Trước vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí.

Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn là mục tiêu cao nhất trong giai đoạn 2 
 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (Ảnh: HNV)

Phóng viên (PV): Xin Thứ trưởng cho biết, sau 2 năm triển khai xây dựng Chương trình Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2 (2016 - 2020), chúng ta đã thu được những kết quả bước đầu như thế nào?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Sau 2 năm triển khai giai đoạn 2 của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chúng ta đã đạt được một số kết quả rõ nét. Trước hết là về các cơ chế chính sách cho giai đoạn 2 đến thời điểm này đã cơ bản hoàn chỉnh, làm cơ sở pháp lý để triển khai chương trình hiệu quả. Thứ hai là trên cơ sở những kết quả đạt được của giai đoạn 1, bước sang giai đoạn 2 các địa phương đã chủ động sáng tạo và phát động phong trào mạnh mẽ hơn trong xây dựng NTM và đi vào thực chất của chương trình. Nhiều kết quả nổi bật được thể hiện rõ, nhất là về nâng cao đời sống của người dân. Đến thời điểm này, theo chúng tôi thống kê có trên 2.800 xã đạt chuẩn NTM, đạt khoảng trên 32% và 43 đơn vị cấp huyện thị đạt chuẩn NTM. Đây là kết quả nỗ lực của các địa phương trong xây dựng NTM.

Đặc biệt trong giai đoạn 2 giao các địa phương chủ động sáng tạo hơn trong chỉ đạo xây dựng NTM, kết quả bước đầu cho thấy đi vào chiều sâu của từng lĩnh vực. Trong thời gian qua, các địa phương đã xây dựng được gần 4.000 mô hình liên kết sản xuất ở nông thôn. 

Và, đối với Hợp tác xã, trong năm 2017 có trên 1.200 Hợp tác xã được thành lập. Đây là một con số rất cao so với những năm trước cho thấy với những cơ chế mới thì xây dựng NTM đã có sự chuyển biến, đặc biệt là chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đã phát huy kết quả ở nhiều địa phương trên cả nước.

PV: Quá trình triển khai xây dựng NTM có gặp những khó khăn gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Với việc xác định nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn là mục tiêu cao nhất trong cả giai đoạn, đến thời điểm hiện nay chúng tôi thấy rằng vấn đề khó khăn nhất là sự chênh lệch giữa các vùng miền trong xây dựng NTM. Đối với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ, tỷ lệ đạt NTM từ 58% trở lên. Tuy nhiên vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ đạt 15% trở lên. Sự chênh lệch giữa các vùng miền trong xây dựng NTM thấy rõ, thể hiện sự khó khăn của từng vùng miền mà Ban Chỉ đạo chúng tôi đã nhận thấy và đang chỉ đạo trong những năm tiếp theo.

PV: Bộ NN&PTNT sắp tới có những định hướng như thế nào về xây dựng NTM, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Trên cơ sở rút ra các bài học kinh nghiệm của giai đoạn 1 và xác định những nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2 (2016-2020) xây dựng NTM, Bộ NN&PTNT đã tham mưu các giải pháp trọng tâm. Trong đó tập trung nâng cao thu nhập người dân ở nông thôn, cụ thể tham mưu cho Chính phủ đề án mỗi xã 1 sản phẩm để phát huy đưa lợi thế của vùng miền trong nông thôn trên cả nước tạo ra những sản phẩm phát triển kinh tế nông thôn.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết rõ thêm về chương trình “mỗi xã một sản phẩm”?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Từ thực tiễn xây dựng NTM, chúng tôi thấy cần tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn để thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Thực tiễn ở một số địa phương như Quảng Ninh và các địa phương khác đã xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm hiệu quả. Bộ NN&PTNT đã tham mưu cho Chính phủ đề án trên với yêu cầu là với lợi thế vùng miền, đất đai, tài nguyên, văn hóa để tạo ra những lợi thế bản địa của từng địa phương, phát triển kinh tế.

Chúng tôi cũng mong muốn từ chương trình này sẽ xây dựng chương trình khởi nghiệp sáng tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, trang trại ở nông thôn để thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển và qua đề án này cũng từng bước tạo được lực lượng lao động có tay nghề ở nông thôn để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ người nông dân khi tham gia chương trình, nhiều chính sách bộ NN&PTNT đã tham mưu cho Chính phủ từ vấn đề chọn tạo giống đến vấn đề canh tác sản xuất và thực hiện theo chuỗi sản xuất. Chúng tôi vừa tham mưu cho Chính phủ Nghị định khuyến khích liên kết sản xuất giữa các tổ chức đại diện cho người nông dân và các doanh nghiệp trong xây dựng chuỗi hàng hóa. Khi Chính phủ ban hành Nghị định này thì đây là cơ sở pháp lý để thúc đẩy các tổ chức đại diện cho người nông dân, các trang trại sẽ gắn kết với các doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu chủ lực để phục vụ cho sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Thực tế năm 2017 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt trên 36 tỷ USD, năm 2018 theo chúng tôi đánh giá thuận lợi để phát triển các nông sản chủ lực. Đây là cơ sở tốt để người nông dân, các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện liên kết sản xuất theo vùng nguyên liệu lớn, đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

BT (ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực