Kịp thời nắm bắt cơ hội cho bất động sản du lịch biển Việt Nam

Thứ bảy, 04/08/2018 14:51
(ĐCSVN) - Quản trị hoạt động đầu tư phù hợp các quy hoạch phát triển chung, vận hành và kinh doanh hiệu quả, khai thác tối đa lợi thế theo hướng phát triển bền vững đối với các dự án bất động sản du lịch biển ở Việt Nam là những vấn đề đang nhận được quan tâm lớn của cộng đồng cùng các cơ quan quản lý, chuyên gia và nhà đầu tư.
Đây cũng là những thông tin được thảo luận sôi nổi tại Diễn đàn bất động sản du lịch biển Việt Nam 2018 với chủ đề: “Quản trị đầu tư và kinh doanh hiệu quả” diễn ra ngày 4/8 tại Hà Nội.

Triển vọng của bất động sản du lịch biển Việt Nam

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho biết, Diễn đàn lần này là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia, các doanh nghiệp bất động sản có cái nhìn rõ hơn về thực trạng cũng như những cơ hội đầu tư trên thị trường bất động sản du lịch biển, góp phần có ý nghĩa vào quá trình quy hoạch, đầu tư, quản lý, khai thác hiệu quả và phát triển bền vững các dự án bất động sản du lịch biển nói riêng và lĩnh vực bất động sản du lịch nói chung.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: HNV)

Tại Diễn đàn, phân tích về triển vọng và thách thức của thị trường bất động sản du lịch biển nói riêng và thị trường bất động sản nói chung, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, với lợi thế bờ biển dài, an ninh tốt, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam rất thuận lợi để phát triển. Nhiều dự án cao cấp được xây dựng dọc theo đất nước, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Trong đó, điển hình là mô hình condotel đã hút đầu tư mạnh trong thời gian qua, giúp tạo ra những khu du lịch, nghĩ dưỡng cao cấp, đồng bộ tại các thành phố biển nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hà, để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư cần có sự hướng dẫn của Nhà nước, các hợp đồng mua bán, ủy quyền cũng phải được hướng dẫn mẫu để một số quy định tối thiểu cần phải có trong hợp đồng này, thì mới giúp cho mọi người huy động được nguồn vốn. Ông Hà đánh giá, không có mô hình huy động vốn như condotel thì Việt Nam không thể có các công trình nghỉ dưỡng lớn như thời gian vừa qua. Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang đã thay đổi nhờ mô hình này. “Chúng tôi đề nghị các cơ quan nhà nước, như Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên phối hợp để xây dựng và ban hành các quy định và văn bản hướng dẫn để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển du lịch bền vững”, ông Hà nói.

Đánh giá về du lịch Việt Nam cất cánh mở ra cơ hội đầu tư bất động sản du lịch biển, ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation khẳng định, sự phát triển của du lịch Việt Nam rất mạnh mẽ với 12,9 triệu du khách quốc tế trong năm 2017, tăng 29% so với năm trước, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 14% trong giai đoạn 5 năm. Khách du lịch nội địa đạt 73,2 triệu lượt trong năm 2017, tăng 18% so với năm trước với CAGR là 16% trong giai đoạn 5 năm. So với khu vực, tỷ lệ CAGR khách quốc tế trong giai đoạn 5 năm ngang bằng với Thái Lan, nước có chỉ số cao nhất ở Đông Nam Á trong cùng giai đoạn. Trong số khách quốc tế, các thị trường lớn bao gồm Trung Quốc chiếm 30%, Hàn Quốc 15%, Nhật Bản 7%, Đài Loan, Mỹ, Malaysia và Nga là 4-5%. Thêm nữa, tăng trưởng vận chuyển hành khách hàng không Việt Nam cao nhất trong khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ CAGR 17,4% trong giai đoạn 5 năm cũng được xem là một động lực quan trọng. Ngoài ra, việc dành 5,7% GDP được dành cho phát triển cở sở hạ tầng trong năm 2017 (con số lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, hơn cả Ấn Độ - quốc gia được đánh giá đã chú trọng tới việc cải thiện cơ sở hạ tầng) cũng là một trong những động lực phát triển bất động sản du lịch.

Du lịch biển "tăng tốc" đi liền với gia tăng cơ hội bất động sản nghỉ dưỡng

Sở hữu trên 3.260 km đường bờ biển, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trải dài khắp 28 tỉnh, thành phố ven biển, chiếm 42% diện tích đất liền và 45% dân số toàn quốc, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng, lợi thế rất lớn về tài nguyên biển. Khắp cả nước có đến 125 bãi biển, trong đó có nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng thuận lợi cho phát triển du lịch. Việt Nam cũng là một trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới là vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang. Mặt khác, đảo và vùng ven biển của Việt Nam cũng tập trung nhiều di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên; nhiều di tích văn hóa - lịch sử; các lễ hội dân gian hấp dẫn sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước.

Với tiềm năng lớn về du lịch biển, lĩnh vực này đang giữ một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch chung của Việt Nam. Tháng 8/2013, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có quyết định phê duyệt "Đề án phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”. Nhờ tiềm năng phát triển và các chiến lược cụ thể, du lịch biển ngày càng có quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất dầu thô sụt giảm, Việt Nam đang dần chuyển hướng sang phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Năm 2017, cả nước đã đón 13 triệu du khách nước ngoài, tăng 30% so với năm 2016; và phục vụ khoảng 74 triệu lượt khách nội địa, vượt xa mục tiêu 66 triệu lượt khách đã đặt ra. Tính đến tháng 7/2018, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đã đạt 9 triệu lượt người, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong bức tranh phát triển chung của ngành du lịch, theo số liệu của Tổng cục Du lịch, riêng du lịch biển đảo chiếm tới gần 70% hoạt động của toàn ngành. Tại nhiều địa phương phát triển du lịch biển trọng điểm như Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, lượng khách du lịch cũng nghi nhận dự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Du lịch bùng nổ thúc đẩy nhu cầu lưu trú tăng trưởng trong thời gian gần đây. Báo cáo khảo sát ngành dịch vụ khách sạn năm 2018 của Grant Thornton cho thấy, sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã giúp ngành khách sạn có một năm thực sự sôi động. Giá phòng bình quân năm 2017 đã tăng 2,8% so với năm 2016, từ 89,3 USD lên đến 91,8 USD.

Các khách mời thảo luận tại Diễn đàn (Ảnh: HNV)

Theo số liệu thống kê, với tốc độ tăng trưởng trên dưới 30%/năm trong 4 năm qua, dự tính, đến năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ đạt khoảng 20 triệu khách. Lượng khách du lịch nội địa cũng đạt khoảng 80 triệu khách.

Như vậy, với số lượng 100 triệu khách khách du lịch, đến năm 2020 Việt Nam sẽ cần khoảng 300.000 phòng lưu trú. Các thành phố du lịch biển lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, Phú Quốc cần hơn 180.000 phòng, chiếm 60% lượng phòng toàn quốc.

Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra, nhất là nguồn cung các cơ sở lưu trú cao cấp hiện vẫn còn đang thiếu hụt rất lớn. Tổng lượng phòng khách sạn, condotel từ 3 sao trở lên tại các thành phố này mới có khoảng hơn 100.000 phòng. Tính ra từ nay đến năm 2020, các thành phố du lịch cần thêm khoảng gần 80.000 phòng khách sạn lưu trú.

Lượng phòng thiếu chính là lý do khiến công suất khai thác phòng của các thành phố du lịch lớn luôn ở mức trung bình trên 70% trong năm 2017. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội phát triển đối với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hiện tại và trong tương lai.

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, bất động sản nghỉ dưỡng được hấp thụ tốt trong 3 năm qua, trong đó, kết quả hoạt động khách sạn ở Hạ Long và Phú Quốc tốt hơn cả Nha Trang và Đà Nẵng do chưa chịu nhiều áp lực về nguồn cung. Cũng theo bà Dung, xu hướng nghỉ dưỡng tích hợp đang được triển khai nhằm tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương với nhiều dự án tiêu biểu như: Cocobay (Đà Nẵng), The Arena (Cam Ranh), Phú Quốc Manna (Phú Quốc), Sonasea Harbor City (Vân Đồn), FLC Quy Nhơn (Bình Định), Mũi Đinh Ecopark (Ninh Thuận)…

Theo đó, một xu hướng nổi trội để thúc đẩy tỷ lệ hấp thụ của thị trường được đại diện CBRE đưa ra là sự phát triển các dự án mang tính tích hợp; theo đó, các khu phức hợp nghỉ dưỡng có xu hướng đưa vào các hạng mục vui chơi giải trích, bán lẻ quy mô nhỏ, vừa; đặc biệt các dự án cách không quá gần khu trung tâm.

Bày tỏ tin tưởng ở triển vọng của thị trường bất động sản du lịch biển Việt Nam, ông Lee Pearce, Tổng quản lý Novotel Phu Quoc Resort khẳng định, đặt trong bối cảnh nền kinh tế và môi trường đầu tư có nhiều cải thiện lạc quan khi tác động ngoại lực không quá lớn và thị trường nội địa thì phát triển mạnh mẽ cộng với việc Việt Nam đang trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách quốc tế cũng như các kinh nghiệm Việt Nam có được trong suốt thời gian qua, đây có thể xem là thời điểm tốt để đầu tư cho bất động sản du lịch, nhất là du lịch biển Việt Nam./.

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực