"Liên kết - Hành động vì hàng Việt"

Thứ sáu, 15/11/2019 18:57
(ĐCSVN) – Tại hội thảo "Liên kết - Hành động vì hàng Việt", các doanh nghiệp và các chuyên gia cùng đưa ra những giải pháp và đề cao tính liên kết trong việc mở rộng hệ thống bán lẻ, tiêu thụ sản phẩm thương hiệu Việt tới tay người tiêu dùng.
Hội thảo "Liên kết - hành động vì hàng việt" (Ảnh: K.D)

Đó là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Liên kết - Hành động vì hàng Việt” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) tổ chức ngày 15/11, tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch VINASME, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng, cùng với đó là tốc độ thâm nhập thị trường và mở rộng thị trường của các hãng phân phối nước ngoài tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đã gây sức ép rất lớn cho các nhà bán lẻ nội địa. Nhiều hàng hoá sản xuất trong nước bị suy giảm thị phần, thiếu vắng thương hiệu Việt Nam. “Để không bị thua ngay trên sân nhà, một câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt được kỳ vọng như mong muốn” – ông Thân nêu vấn đề.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp và các chuyên gia cùng đưa ra những giải pháp và đề cao tính liên kết trong việc mở rộng hệ thống bán lẻ, tiêu thụ sản phẩm thương hiệu Việt tới tay người tiêu dùng. Theo nhiều đại biểu, đã đến lúc cần phải thay đổi tư duy của doanh nghiệp và nhà quản lý; nâng tầm chất lượng, sản phẩm theo tiêu chuẩn toàn cầu, EU, Nhật, Mỹ; xây dựng chuỗi sản xuất, từ sản xuất tới tiêu thụ. Cùng với đó, cần xây dựng được những doanh nghiệp, tập đoàn lớn để làm xương sống phát triển hàng hàng Việt một cách chuyên nghiệp, hệ thống, toàn diện.

Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình kiến nghị, muốn Cuộc vận động đạt được hiệu quả cao nhất, công tác tuyên truyền phải được triển khai sâu rộng từ người đứng đầu địa phương, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên… Bởi người tiêu dùng không chỉ tạo điều kiện để hàng hóa, doanh nghiệp Việt có chỗ tiêu thụ sản phẩm, tạo giá trị kinh tế mà còn đảm bảo an sinh xã hội.

Còn theo ông Đỗ Văn Sinh, Uỷ viên thường trực, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cần phải tăng ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh; tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt phát triển,... Nhà nước phải có vai trò và chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; phải kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm, hàng hoá và việc tuân thủ của doanh nghiệp; chống gian lận thương mại, giả xuất xứ.

Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, nhóm nghiên cứu Đề án đầu tư, phát triển Trung tâm tiêu thụ sản phẩm hàng hoá quốc nội miễn phí thuê mặt bằng- Công ty TNHH Hoà Bình cũng cho rằng, khi ra đời các trung tâm thương mại miễn phí thuê mặt bằng sẽ giúp các DNNVV giảm được chi phí bán hàng, do vậy giá sản phẩm sẽ giảm được tối thiểu 30% so với giá hiện nay. Từ đó, DNNVV sẽ có sức để lớn mạnh trở thành các tập đoàn quốc gia bởi doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm, hàng hoá sẽ có điều kiện tốt để phát triển, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho đất nước.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Phong trào, Cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, để phát triển hạ tầng thương mại nhằm phát triển bền vững thương mại trong nước thì cần hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi cho việc phát triển các phương thức giao dịch thương mại hiện đại; thu hút đầu tư hoặc xã hội hoá để xây dựng một số chợ đầu mối nông sản, chợ đầu mối có tính chất phân luồng hàng hoá liên kết vùng trong cả nước; triển khai xây dựng hệ thống kho lạnh tại các trung tâm logistics, chợ đầu mối phục vụ việc bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông sản nhằm khắc phục tình trạng được mùa mất giá…/.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực