Mù Cang Chải chuyển mình trong gian khó

Thứ tư, 25/09/2019 16:29
(ĐCSVN) - Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII đề ra; góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Đồng chí Vũ Tiến Đức, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải (ngoài cùng bên trái)
thăm mô hình làm kinh tế của các hộ dân . (Ảnh: K.T)

Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Tiến Đức, Chủ tịch UBND huyện về những bước chuyển quan trọng này.

PV: Là một huyện nghèo của tỉnh Yên Bái, trong những năm qua, Mù Cang Chải đã chuyển mình như thế nào để bắt nhịp được với các huyện trong tỉnh?

Đồng chí Vũ Tiến Đức: Mù Cang Chải là một trong 63 huyện nghèo nhất của cả nước hưởng chính sách 30a. Điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, địa hình đồi núi cao khá nhiều, diện tích đất để sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 9%, diện tích đất rừng trên 80 ngàn ha, điều kiện đi lại lại hết sức khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Cơ sở hạ tầng tới các thôn, bản cũng còn nhiều hạn chế. Với trên 90% đồng bào là dân tộc Mông, đây vừa là thuận lợi nhưng cũng vừa là khó khăn nhất là trong việc tuyên truyền vận động.

Không những thế, Mù Cang Chải xuất phát điểm rất thấp, đầu nhiệm kỳ có tới 75% hộ nghèo. Tuy vậy với quyết tâm của huyện, ngay từ đầu Đại hội Đảng bộ huyện XVIII, huyện đã xác định cơ cấu kinh tế trọng tâm là phát triển nông - lâm nghiệp - tiểu thủ công nghiệp dịch vụ và du lịch.

Trong thời gian vừa qua, thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, đến nay trong các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đều đạt được những thành tựu nhất định, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Trong nông - lâm nghiệp đã có những bước tiến rất quan trọng, ổn định được đời sống nhân dân, tăng thu nhập. Đầu nhiệm kỳ bình quân thu nhập chỉ có 13 triệu/1 người/năm nhưng đến nay, thu nhập tăng lên khoảng 20 triệu/người/năm. Tỷ lệ nghèo đầu nhiệm kỳ là 75% đến nay chỉ còn khoảng 35%. Hiện nay, hầu hết 100% đường đến thô,n bản bằng xe máy và ô tô, tỷ lệ đi được bốn mùa khoảng 70%; còn 30% chưa được bê tông hóa do ngóc ngách quá xa.

PV: Để có được những thành tựu như vậy, Mù Cang Chải đã  quyết tâm thực hiện những mục tiêu, giải pháp trong từng lĩnh vực như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Tiến Đức: Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã tập trung vào sản xuất để ổn định lương thực, tăng diện tích sản xuất lúa hai vụ và chuyển  đổi một số loại cây trồng để nâng cao chất lượng.

Xác định chỉ lúa thuần nông không, giá trị sản xuất sẽ rất thấp,  vì vậy, huyện tập trung vào xây dựng thương hiệu trong sản xuất nông nghiệp như: Xây dựng thương hiệu cây lúa nếp Khau Phạ, cốm nếp Khau Phạ và mật ong Mù Cang Chải, quả Sơn Tra…

Ngoài ra, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi cũng là thế mạnh của huyện. Với diện tích đất rừng rộng, tận dụng khe suối, bìa rừng, huyện đã phát động và khuyến khích mô hình chăn thả kết hợp với trồng rừng ở trong rừng phòng hộ. Hiện nay phổ biến nhất là chăn nuôi gia súc kết hợp với gia cầm như: nuôi gà Sơn đen kết hợp với nuôi dê, nuôi ong và trồng một số loại dược liệu khác.

Phát huy thế mạnh với trên 80 ngàn ha rừng, trong đó có hơn 20 ngàn ha rừng đặc dụng, huyện đã mạnh dạn giao đất, giao rừng cho từng người dân và các nhóm hộ. Do được hưởng dịch vụ từ môi trường rừng nên người dân rất gắn bó với rừng. Cách đây khoảng 5-7 năm trở về trước, việc cháy rừng diễn ra thường xuyên, nhưng những năm trở lại đây, công tác giữ rừng khá tốt. Nguyên nhân là do Nhà nước đã có chế độ,  cơ chế, chính sách phối hợp để người dân giữ rừng được tốt hơn. Mỗi gia đình mỗi năm được hưởng khoảng 40-45 triệu đồng về trồng rừng. Dưới tán rừng, người dân trồng các cây dược liệu khác như là sâm và dương quy, táo. Cây táo vừa cho quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, vừa phòng chống cháy rừng rất tốt. Nhờ có việc giữ rừng tốt mà hiện nay độ che phủ của rừng vào khoảng 67,3%. Đây là tỷ lệ khá cao so với các huyện trong tỉnh cũng như ở nhiều nơi khác.

Trong lĩnh vực công nghiệp, huyện xác định tập trung cho thủy điện. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng xấp xỉ 200 MW là các cụm thủy điện nhỏ góp phần tăng ngân sách cho địa phương. Các thủy điện này cũng góp phần điều chỉnh, điều hòa khí hậu. Trước đây, Mù Cang Chải khí hậu rất khô hanh và có gió Lào nhưng đến nay, nhờ hệ thống thủy điện phát triển ra làm độ ẩm tăng lên, giảm được sự khô hanh và cháy rừng. Nhờ phát triển thủy điện cũng góp phần phát triển và tái tạo diện tích rừng. Ngoài ra, trong công nghiệp còn có khai thác khoáng sản. Mù Cang Chải có thế mạnh về khoáng sản chì, kẽm và quạnh sắt với trữ lượng không lớn lắm nhưng cũng đã phát triển trong 5-7 năm vừa qua, góp phần vào việc tăng thu ngân sách cho địa phương.

Về tiểu thủ công nghiệp, huyện phát triển vào hệ thống thêu dệt thổ cẩm phát huy văn hóa dân tộc nhất là thêu váy áo và các sản phẩm du lịch được bày bán ở các chợ phiên và các địa điểm bán lẻ trên địa bàn. Ngoài ra, huyện còn phát triển nghề rèn đúc, đặc biệt là các sản phẩm, dụng cụ phục vụ lao động.

PV: Xây dựng nông thôn mới góp phần xóa đói, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong thời gian qua, nhờ đâu mà huyện đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này?

Đồng chí Vũ Tiến Đức: Hiện nay bình quân lương thực của người dân Mù Cang Chải tương đối cao khoảng 650 kg/người/ năm. Mù Cang Chải không còn khái niệm xóa đói nữa mà chỉ còn khái niệm xóa nghèo.

Tỷ lệ nghèo đầu nhiệm kỳ của Mù Cang Chải là 75% nhưng đến nay chỉ còn khoảng 35%. Năm 2019, huyện đề ra mục tiêu giảm 11,7%/năm. Đây là mục tiêu rất cao vì tỉnh giao chỉ có 8%/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo ở Mù Cang Chải khá đa dạng căn cứ vào tình hình thực tế của người dân huyện áp dụng các chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo phù hợp với từng địa bàn.

Để xóa đói giảm nghèo xây dựng nông thôn mới hiệu quả, trong những năm qua, huyện đã phát động các phong trào làm đường giao thông nông thôn. Trong 5 năm qua, huyện đã làm được 800 km đường nông thôn mới, trong đó tỷ lệ bê tông hóa khoảng 400 km. Nguồn lực chủ yếu là Nhà nước 70% còn dân đóng góp 30%. Ngoài ra, còn có các phong trào phát triển nông thôn như thắp sáng đường quê; gắn phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở các khu dân cư với các hương ước thôn, bản, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, cho con em đi học. Dòng họ Giàng, dòng họ Sùng của huyện đã có con em giành nhiều thành tích cao trong học tập. Huyện đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2022, xã Nậm Khắt sẽ đạt tiêu chí nông thôn mới, tất cả các xã còn lại không có xã nào dưới 15 tiêu chí. Do điều kiện ở Mù Cang Chải không thể xây dựng một xã nông thôn mới hoàn toàn, nhưng từ năm 2020, sẽ phấn đấu mỗi xã sẽ có 02 bản đạt tiêu chí nông thôn mới.

Để xóa đói giảm nghèo, trong thời gian qua, huyện đặc biệt chú trọng tới việc đào tạo và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Trong 5 năm qua, huyện đã chỉ đạo quyết liệt góp phần vào chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, và tạo việc làm cho người dân.

Mù Cang Chải hiện có 4500 ha diện tích ruộng bậc thang được
công nhận là di tích, danh thắng quốc gia. (Ảnh: K.T)

Nhờ thực hiện tốt các chính sách, an sinh xã hội, chương trình 30a, chương trình 135, chương trình nông thôn mới, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, hướng hỗ trợ của Nhà nước về mục tiêu quốc gia  đã giúp người dân xóa đói giảm nghèo, đầu tư cho người dân về cây con, tư vấn việc làm, vay vốn ngân hàng chính sách… Hằng năm huyện đã tạo điều kiện cho ngân hàng chính sách vay khoảng 500 triệu đồng/năm để cùng với vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cho người dân vay phát triển sản xuất. Đây cũng là một ưu điểm phối hợp với các cấp, các ngành để thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo.

PV: Có thể nói du lịch là một trong những thế mạnh của huyện. Vậy Mù Cang Chải đã tận dụng lợi thế này như thế nào để phát triển kinh tế - xã hội?

Đồng chí Vũ Tiến Đức: Phát huy thế mạnh của huyện, trong nhiều năm qua, Mù Cang Chải đã tập trung vào phát triển du lịch. Năm 2007, huyện được công nhận là di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang. Với 3 xã vùng lõi là La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình với 330 ha nhưng đến thời điểm này huyện đã phát triển diện tích ruộng bậc thang lên 4500 ha. Mỗi một năm huyện khai hoang thêm 200 -250ha. Năm 2019, huyện phấn đấu khai hoang thêm khoảng 150 ha. Năm 2020 sẽ tiếp tục khai hoang khoảng 200 ha nữa. Diện tích ruộng bậc thang của huyện liên tục được mở rộng là một thế mạnh để phát triển du lịch, danh thắng  Mù Cang Chải. Huyện cũng đang đề nghị với tỉnh quy hoạch lại Mù Cang Chải để  phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch.

Huyện tập trung vào phát triển quy hoạch, lấy du lịch sinh thái làm trọng tâm, trong đó có khu vực trung tâm huyện phát triển mang tính hiện đại, còn lại các vệ tinh khác là các xã và các tour du lịch khác.

Lượng khách du lịch đến với Mù Cang Chải ngày một đông. Chỉ tính riêng ngày 21/9/2019, có khoảng 37 ngàn lượt khách đến với Mù Cang Chải. Trên địa bàn hiện nay chỉ có khoảng 90 nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, nên không đáp ứng được nhu cầu. Nhiều khi khách đến Mù Cang Chải phải quay trở lại Nghĩa Lộ nghỉ.

Xác định phát triển du lịch là trọng tâm, trong thời gian qua, huyện cũng đã xây dựng nhiều dự án để phát triển du lịch, thu hút đầu tư từ bên ngoài vào. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các thương hiệu sản phẩm, đầu tư xây dựng hệ thống nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng cao cấp để thu hút các tour du lịch  và tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh cũng như các tỉnh lân cận.

Tuy còn nhiều vướng mắc nhưng với quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, trong nhiệm kỳ tới, chắc chắn huyện sẽ có định hướng báo cáo với tỉnh để phát triển du lịch ngày một sâu và mạnh hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Kim Thoa (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực