Nâng cao giá trị thương hiệu cam sành Hà Giang

Thứ ba, 19/02/2019 16:59
(ĐCSVN) - Cam sành là cây ăn quả đặc sản của Hà Giang, được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và vị Xuyên. Tính đến thời điểm cuối năm 2018, tổng diện tích cam sành của Hà Giang đạt gần 7.150 ha, trong đó có khoảng 5.190 ha cho thu hoạch và tổng sản lượng ước đạt 62 nghìn tấn.
Đoàn cán bộ kỹ thuật của Sở NN&PTNT Hà Giang kiểm tra sinh trưởng
của diện tích cam sành trồng mới tại huyện Vị Xuyên. (Ảnh: VP)

Nhằm triển khai chương trình phục hồi và phát triển cam sành niên vụ 2019 - 2020, ngày 18/2/2019, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND về việc “Triển khai chương trình phục hồi và phát triển cam sành niên vụ 2019 - 2020”.

Kế hoạch nhằm thực hiện thắng lợi Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và chương trình phục hồi và phát triển cam sành của tỉnh nói riêng. Kế hoạch cũng nhằm tổ chức lại sản xuất cho nhân dân theo hướng liên kết sản xuất lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng để nâng cao giá trị; nâng cao hiệu quả liên kết chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, củng cố và nâng cao thương hiệu cam sành Hà Giang trên thị trường; khắc phục những tồn tại, hạn chế của niên vụ cam 2018 - 2019. Địa điểm triển khai thực hiện tại 3 huyện trồng cam là Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên.

Theo đó, quản lý cây giống, duy trì chăm sóc, bảo tồn nguồn gen vườn giống để sản xuất, cung ứng giống cây ăn quả có múi sạch bệnh cho người dân trên địa bàn Hà Giang. Tổ chức đánh giá các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả trên cây cam để khuyến cáo nhân rộng. Mở rộng diện tích trồng mới cây cam sành tại huyện Vị Xuyên; cây giống sử dụng bằng cây ghép, giống đảm bảo chất lượng và được các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá rõ nguồn gốc, quy trình sản xuất trước khi trồng mới. Tập trung chăm sóc tốt các diện tích cam hiện có, chủ yếu tập trung vào sản xuất VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm cam sành. Nhân rộng các mô hình hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường, đáp ứng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…theo lộ trình. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các địa điểm tiêu thụ đảm bảo chất lượng theo yêu cầu. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ sản xuất hiện có trên địa bàn tại các xã, thị trấn vùng cam... Tiếp tục triển khai quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” dùng cho sản phẩm cam sành của tỉnh.

Tập trung đẩy mạnh các hoạt động quảng bá rộng rãi sản phẩm cam sành trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội chợ, siêu thị…để xúc tiến thương mại; mở rộng ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam sành niên vụ 2019 - 2020. Tiếp tục kết nối tiêu thụ sản phẩm cam sành trong chuỗi các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn các thành phố lớn trên cả nước…

Thời gian thực hiện từ tháng 2/2019 đến quý I/2020./.

Tin, ảnh: Phạm Văn Phú

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực