Nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chủ nhật, 16/12/2018 11:37
(ĐCSVN) - Phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân và xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó việc ứng dụng khoa học công nghệ được xem là động lực then chốt cho sự phát triển của nền nông nghiệp bền vững.

Nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn, cụ thể: các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp được xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 70-80% giá trị của dự án liên kết theo chuỗi giá trị; trường hợp các doanh nghiệp đầu mối liên kết hoặc ứng dụng CNC gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan được xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ, khoanh nợ, thậm chí xóa nợ. 

NHNH cũng quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thấp hơn lãi suất cho vay lĩnh vực khác từ 1-2%/năm (từ ngày 10/7/2017 đến nay là 6,5%/năm).


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm vườn rau thủy canh tại Trung tâm nông nghiệp CNC tỉnh Bình Phước (Ảnh: baodansinh.vn)

Tại Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017, Chính phủ giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại Nhà nước, dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp.

Theo ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 30/NQ-CP, NHNN đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành Quyết định 813/QĐ-NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch.

Theo đó, đối tượng vay vốn bao gồm: pháp nhân và cá nhân có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất - kinh doanh nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch theo tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch quy định tại Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN của Bộ NN&PTNT.

Các ngân hàng thương mại (NHTM) cho vay đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn, trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng với lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm so với mức cho vay thông thường cùng kỳ hạn của NHTM, phù hợp với quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016. Nguồn vốn cho vay cân đối từ nguồn vốn huy động trên thị trường.

NHTM và khách hàng thỏa thuận việc áp dụng/không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay phù hợp với quy định của pháp luật. Khách hàng vay vốn theo chương trình được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay đảm bảo cho khoản vay theo quy định của pháp luật.

Nếu do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng liên quan việc trả nợ, NHTM sẽ chủ động xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ để phù hợp với khả năng của khách hàng. Cụ thể, NHTM cho vay được giữ nguyên nhóm nợ 01 lần đối với một khoản nợ, và cho vay mới để phục hồi sản xuất - kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh khả thi. Đồng thời, căn cứ quy định hiện hành và khả năng tài chính của mình, xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác (bao gồm miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau) nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Cũng theo ông Tần, khách hàng theo chương trình này nếu thuộc đối tượng hưởng chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP thì sẽ đồng thời được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm theo quy định (tối đa 500 triệu đồng đối với hộ gia đình, tối đa 1 tỷ đồng đối với chủ trang trại, tối đa 3 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã), hưởng cơ chế xử lý nợ (cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ, xóa nợ) khi xảy ra rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng và đồng thời được hưởng chính sách lãi suất theo Quyết định 813/QĐ-NHNN.

Thống kê của NHNN cho thấy hiện dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, với 14.723 khách hàng đang có dư nợ (14.449 khách hàng cá nhân và 274 khách hàng doanh nghiệp), chủ yếu cho nông nghiệp ứng dụng CNC (khoảng 89%); kỳ hạn dài chiếm khoảng 55% dư nợ, lãi suất ngắn hạn khoảng 5,3-6,5%/năm trong khi trung dài hạn khoảng 8,5-10%/năm.

Trong đó, một số ngân hàng có kết quả nổi bật như Ngân hàng TMCP Bắc Á đầu tư vào một số dự án lớn thuộc lĩnh vực chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, chế biến gỗ, trồng rau và hoa trong nhà kính, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao, rau củ quả chất lượng cao và lúa chất lượng cao như dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An; Ngân hàng TMCP Ngoại thương với dự án sản xuất trứng sạch, lợn giống và chăn nuôi lợn, thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt Ngân hàng NN&PTNT đã đưa ra gói tín dụng 50.000 tỷ đồng ưu đãi với lãi suất giảm từ 0,5-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch.

Tuy nhiên, có một thực tế là số lượng các đơn vị được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp, khu/vùng nông nghiệp ứng dụng CNC còn hạn chế. Cả nước hiện có 40 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận, cùng với 3 khu, và 4 vùng.

Bên cạnh đó, các tiêu chí xác định dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ NN&PTNT chưa rõ ràng, không phù hợp, gây khó khăn cho ngân hàng xác định đối tượng thụ hưởng chính sách.

Thậm chí nhiều doanh nghiệp chưa thực sự tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC một cách bài bản, chưa có phương án sản xuất, trả nợ vay khả thi, thị trường tiêu thụ không ổn định dẫn đến chưa đảm bảo khả năng hoàn vốn vay.

Đặc biệt, triển khai Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và sửa đổi. Tuy nhiên, khó khăn của người dân là chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm thế chấp vay vốn ngân hàng mặc dù tại Thông tư 33/2017/TT-BTNMT đã giao cho UBND các địa phương triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh cho vay nông nghiệp ứng dụng CNC, NHNN kiến nghị Chính phủ sớm hoàn tất thủ tục để ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP, trong đó có một số quy định giúp tăng khả năng tiếp cận vốn như: Nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo của cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng; bổ sung tất cả cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại có dự án, phương án sản xuất nông nghiệp thực hiện trong khu/vùng nông nghiệp ứng dụng CNC; doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng CNC trong nông nghiệp nhưng không thuộc khu/vùng nông nghiệp ứng dụng CNC được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 70% giá trị của dự án, phương án.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương cần báo cáo đánh giá tình hình triển khai Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, từ đó có các giải pháp để tháo gỡ khó khăn về cấp giấy chứng nhận tài sản hình thành trên đất nông nghiệp cho người dân sản xuất nông nghiệp CNC để họ có thể làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp vay vốn.

Thực hiện vai trò tham mưu, giúp Thống đốc NHNN thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực tín dụng ngân hàng và điều hành thị trường tiền tệ, ông Trần Văn Tần cho biết Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Công Thương bổ sung trách nhiệm của Bộ NN&PTNT chủ trì hướng dẫn cụ thể tiêu chí, phương pháp xác định, xác nhận dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng CNC trong nông nghiệp để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay; đồng thời đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp CNC làm cơ sở định hướng phát triển.

Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để việc triển khai chương trình tín dụng nông nghiệp CNC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đạt hiệu quả cao nhất./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực