Nâng cao tính hợp pháp đối với gỗ xuất khẩu của Việt Nam

Thứ tư, 31/10/2018 22:36
(ĐCSVN) - Hiệp định VPA/FLEGT sẽ tạo cho Việt Nam một vị thế, niềm tin lớn để hội nhập, tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị gỗ toàn cầu. Với việc ký kết Hiệp định, Việt Nam đã được ghi nhận nỗ lực, đồng thời, hướng đến một cách làm công khai, minh bạch cho ngành gỗ.

Đó là nhận định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển tại Tọa đàm trực tuyến “Thực thi Hiệp định VPA/FLEGT: Cơ hội và thách thức với xuất khẩu gỗ của Việt Nam”. Tọa đàm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Báo Nông thôn ngày nay tổ chức chiều 31/10, tại Hà Nội.

Quang cảnh Tọa đàm. (Ảnh: TT)

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, thương mại gỗ, đồ gỗ trong nước và trên thế giới tăng trưởng mạnh. Hiện nay, đồ gỗ của Việt Nam được tiêu thụ tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với thị trường chính gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU,…Trong 10 tháng năm 2018, xuất khẩu lâm sản tiếp tục tăng trưởng trên 16%, ước đạt 7,6 tỷ USD, xuất siêu lâm sản chính 5,72 tỷ USD, và là một trong những ngành có giá trị xuất khẩu đứng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu theo chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa. Ngành lâm nghiệp đã hợp tác với các đầu mối và tổ chức lâm nghiệp quốc tế. Đặc biệt, sau 6 năm đàm phán, Việt Nam và Liên Minh châu Âu đã kết thúc đàm phán, chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Tự nguyện về thực thi Lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với EU vào ngày 19/10/2018.

Thông tin về Hiệp định VPA/FLEGT, bà Nguyễn Tường Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết, Hiệp định có 4 nội dung cam kết mới đòi hỏi Việt Nam cần quy định bổ sung để phù hợp với các quy định của quốc tế về truy xuất nguồn gốc gỗ. Trong đó, về quản lý, kiểm soát gỗ nhập khẩu, Việt Nam sẽ áp dụng các bộ lọc rủi ro là “Loài rủi ro” và “Vùng địa lý rủi ro” để kiểm soát và quản lý gỗ nhập khẩu vào Việt Nam.

Về phân loại mức độ rủi do doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung của Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS), Việt Nam áp dụng phân loại mức độ rủi ro doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung để có chế tài quản lý phù hợp, doanh nghiệp được phân loại thành 2 nhóm: nhóm 1 là doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và nhóm 2 gồm doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật.

Với doanh nghiệp nhóm 1 được chủ động trong hoạt động kinh doanh, không phải trình cho cơ quan kiểm lâm sở tại xác nhận hồ sơ xuất khẩu. Doanh nghiệp nhóm 2, khi xuất khẩu sẽ phải trình Bảng kê lâm sản cho cơ quan kiểm lâm sở tại kiểm tra và xác nhận và kiểm tra thực tế 20% lô hàng trước khi xuất khẩu và cấp phép FLEGT.

Về cấp phép FLEGT, chỉ cấp cho những lô gỗ xuất khẩu sang các nước thành viên EU. Đây được coi là “Giấy thông hành đặc biệt” do chính các cơ quan Việt Nam cấp để các lô hàng gỗ của nước ta được tự do vào EU mà không phải làm thủ tục xác minh nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện trách nhiệm giải trình, tuân thủ các quy định của Việt Nam và EU. Chỉ khi được cấp giấy phép FLEGT mới thay thế được quy định trên.

Đánh giá về tác động của Hiệp định VPA/FLEGT đối với xuất khẩu gỗ của Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Điển cho rằng, Hiệp định sẽ tạo cho Việt Nam một vị thế, niềm tin lớn để hội nhập, tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị gỗ toàn cầu. Với việc ký kết Hiệp định, Việt Nam đã được ghi nhận nỗ lực. Đồng thời, hướng đến một cách làm công khai, minh bạch cho ngành gỗ.

Bên cạnh đó, để làm tốt công tác về xuất khẩu lâm sản, Việt Nam cần tăng cường áp dụng công nghệ tốt. Hiện nay giá khoảng 1.400-1.800 USD/m3 gỗ thành phẩm, nhưng khi áp dụng công nghệ có thể tăng tới 4.000 USD/m3 gỗ thành phẩm.

Tại Tọa đàm, chia sẻ về cách làm của địa phương trong việc phát triển vùng nguyên liệu chế biến gắn với phát triển bền vững, ông Triệu Đăng Khoa – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho hay, tỉnh đã hỗ trợ tích cực việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý FSC (chứng chỉ quản lý rừng bền vững). Đến nay, Tuyên Quang đã cấp chứng chỉ FSC cho 19.700ha rừng, giá trị kinh tế tăng thêm từ diện tích gỗ này là 20 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, tỉnh đã có quy hoạch 6 vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp. Hàng năm, tỉnh dành 4-5 tỷ đồng hỗ trợ cây giống cho người dân, chủ yếu là cây keo lai để người dân tham gia trồng rừng nguyên liệu. Với việc tổ chức tốt khâu liên kết chuỗi từ trồng đến khai thác, tiêu thụ, tính đến thời điểm này Tuyên Quang là một trong những tỉnh bảo vệ hiệu quả rừng nguyên liệu phục vụ chế biến và rừng tự nhiên.

Ngày 19/10/2018, Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã chính thức ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Đây là Hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc pháp lý nhằm cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU.

Hiệp định sẽ góp phần tạo điều kiện chủ động cho các doanh nghiệp, giảm mức rủi ro cho các lô hàng xuất khẩu vào thị trường EU. Bên cạnh đó, uy tín của Việt Nam cũng nâng lên tạo thuận lợi cho các mặt hàng gỗ và lâm sản của chúng ta  xuất khẩu vào các thị trường Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... và những thị trường có những quy định tương tự như của EU về nguồn gốc gỗ.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực