Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở đồng bằng sông Cửu Long

Chủ nhật, 14/10/2018 21:26
(ĐCSVN) - Theo báo cáo nhanh ngày 14/10 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mực nước lúc 7h00 ngày 14/10, trên sông Tiền tại Tân Châu 3,04m (dưới báo động 1 là 0,46m); trên sông Hậu tại Châu Đốc 2,88m (dưới báo động 1 là 0,12m).

 

Lũ ở đồng bằng sông Cửu Long biến động bất thường (Nguồn: TTXVN)

Dự báo, mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn đang xuống và lên lại theo triều vào ngày 18/10. Đến ngày 21/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 3,1m; tại Châu Đốc ở mức 3,0m (ở mức báo động 1), tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long, sông Sài Gòn ở mức báo động 1.

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

Về thiệt hại do thiên tai, theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An vào 16h30 ngày 13/10 tại xã Lục Long, huyện Châu Thành, mưa kèm theo dông lốc khiến đường dây điện bị đứt, rơi xuống cổng trường làm 6 em học sinh bị điện giật: 2 em tử vong tại chỗ và 4 em bị thương.

Để ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lớn tại Trung Bộ và lũ trên sông Cửu Long. Chuyển các bản tin tới Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để chủ động các biện pháp ứng phó. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Các tỉnh Trung Trung Bộ cần tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu khi có mưa lớn để kịp thời cảnh báo, sơ tán người dân, đảm bảo an toàn; tổ chức lực lượng theo dõi.

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, triều cường để chủ động các biện pháp ứng phó. Thường xuyên theo dõi, đảm bảo an toàn hệ thống đê bao, bờ bao và sẵn sàng phương án xử lý sự cố giờ đầu. Tổ chức tuần tra, phát hiện các sự cố sạt lở bờ sông, kênh rạch để cảnh báo, sơ tán người dân kịp thời; tổ chức rà soát, thống kê, tổng hợp số liệu thiệt hại.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24h/24h, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực