Nhiều cơ hội, triển vọng phát triển kinh tế khu vực ASEAN+3

Thứ sáu, 25/05/2018 20:18
(ĐCSVN) – Khu vực ASEAN+3 hiện đang tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, các nền kinh tế trong khu vực cần tăng cường kết nối, phát triển khu vực dịch vụ, xây dựng nguồn nhân lực có kỹ năng...
Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh:M.P)


Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Triển vọng Kinh tế khu vực ASEAN+3: Tăng trưởng bền vững trong một thế giới đang biến chuyển” do Bộ Tài chính Việt Nam và Cơ quan Nghiên cứu vĩ mô các nước ASEAN+3 (AMRO) tổ chức ngày 25/5, tại Hà Nội.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế khu vực ASEAN+3 2018 do AMRO thực hiện, được ông Hoe Ee Khor, Chuyên gia kinh tế trưởng của AMRO trình bày tại Hội thảo cho biết: Do tổng cầu bên ngoài cải thiện, tăng trưởng của khu vực ASEAN+3 dự báo sẽ duy trì ở mức 5,4% năm 2018 và 5,2% vào năm 2019. Đối với Việt Nam, Báo cáo cho rằng triển vọng tăng trưởng ngắn hạn ở mức tích cực, với tăng trưởng GDP tăng mạnh ở mức 7,4% vào Quý I/2018. Tuy nhiên, khu vực ASEAN+3 vẫn phải đối mặt với 2 rủi ro ngắn hạn là điều kiện tài chính toàn cầu có thể bị thắt chặt nhanh hơn dự báo và leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu. Các rủi ro này nếu bị hiện thực hóa sẽ gây tác động bất lợi dưới dạng các luồng vốn bị rút khỏi khu vực, chi phí vốn tăng lên, hoạt động đầu tư và thương mại trong khu vực suy giảm.

Vì vậy, Báo cáo khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần tiếp tục củng cố không gian chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ. Chính sách tài khóa có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong việc hỗ trợ tăng trưởng, trong khi thắt chặt chính sách an toàn vĩ mô đối với các khu vực tiềm ẩn rủi ro do tăng trưởng tín dụng trước đó có thể giúp ổn định thị trường tài chính.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng: “Cái lợi lớn nhất của Việt Nam khi xem xét Báo cáo này là thấy được bối cảnh khu vực ASEAN và 3 nước Đông Bắc Á, là các bạn hàng lớn của chúng ta”. Ông Nguyễn Đức Thành cũng đánh giá cao Phần So sánh quốc tế trong Báo cáo, qua đó thấy được Việt Nam đang ở đâu trong nhóm các nước ASEAN+3; có những rủi ro và cơ hội gì trong mối tương quan đó; đồng thời đưa ra những gợi ý hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách và độc giả quan tâm ở Việt Nam.

Theo ông Hoe Ee Khor, để thích ứng với một thế giới đang chuyển biến mạnh mẽ, Việt Nam và các nền kinh tế khác của khu vực Đông Á cần tăng cường kết nối và hội nhập khu vực để hưởng lợi từ tăng trưởng nội khối và củng cố khả năng chống đỡ trước các cú sốc bên ngoài. Đồng thời cần đặt mục tiêu phát triển kinh tế bền vững thông qua đa dạng hóa các động lực tăng trưởng, trong đó có phát triển khu vực dịch vụ. Cùng với đó, các chính sách về phát triển lực lượng lao động và nhập cư phù hợp cũng cần được quan tâm, chú trọng.../.


Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực