Nhiều diện tích tiêu ở Bình Thuận nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm

Thứ năm, 16/08/2018 23:13
Theo Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận, bệnh chết nhanh, chết chậm tiếp tục hoành hành trên nhiều diện tích tiêu tại huyện Đức Linh (Bình Thuận).
Dịch bệnh hoành hành trên nhiều diện tích hồ tiêu ở Bình Thuận.
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Đến nay, đã có hơn 1.500 ha cây tiêu nhiễm bệnh; trong đó, bệnh chết nhanh gây hại trên 1.034 ha (tăng hơn 1.000 ha so cùng kỳ năm 2017 bệnh chưa bùng phát). Bệnh chết chậm gây hại nặng trên 522 ha cây tiêu, tăng 497 ha so với cùng kỳ năm 2017. Diện tích cây tiêu chết tập trung ở các xã Đức Hạnh, Đông Hà, Trà Tân, Đức Tín…

Một số nhà vườn cho biết, từ đầu mùa mưa năm nay, vườn tiêu xuất hiện những dấu hiệu vàng lá, lá xanh chết rũ trên cành, thối rễ rồi chết dần. Khi phát hiện vườn tiêu bị bệnh, người dân đã thực hiện các biện pháp vệ sinh vườn, đào mương thoát nước chống ngập úng, rải phân và phun thuốc nhưng cây không có khả năng phục hồi và chết dần.

Đối với bệnh chết nhanh, thời gian đầu các mép lá hơi co lại rồi chuyển màu vàng trước khi rụng. Cây tiêu héo rất nhanh, từ khi thấy triệu chứng lá bắt đầu héo đến khi cây chết chỉ sau 1 - 2 tuần. Còn bệnh chết chậm thì thường gây vàng lá, cây còi cọc, lá và đốt dây rụng dần, sau 2 – 3 tháng thì cây chết.

Lượng mưa nhiều, độ ẩm trong đất cao thuận lợi cho các loại tuyến trùng phát triển và các loại nấm Phytophthora spp trong đất được xác định là nguyên nhân gây bệnh nặng cho cây tiêu. Tuyến trùng xâm nhập làm cho bộ rễ bị thối hoàn toàn, cây tiêu chết nhanh. Nhiều trường hợp, cây sinh trưởng chậm, lá hơi nhỏ lại, vàng giống như thiếu phân, lâu ngày toàn bộ thâm đen thối mục khiến tiêu chết dần dần.

Hiện nay vẫn chưa có thuốc phòng và đặc trị bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân phải theo dõi diễn biến bệnh trên vườn tiêu và thực hiện theo quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm của Cục bảo vệ thực vật đã ban hành.

Đối với trụ tiêu bị bệnh chết nhanh có thể xử lý bằng các loại thuốc có hoạt chất  Fosetyl-aluminium, Azoxystrobin+Difenoconazole,  Dimethomorph, Phosphorous acid, … Đối với trụ tiêu bị bệnh chết chậm cần xử lý tuyến trùng bằng thuốc chứa hoạt chất  Chitosan, Ethoprophos, Carbosulfan, Clinoptilolite, Diazinon, ...Nếu trụ tiêu bị bệnh nặng và cây tiêu đã chết cần thu gom, tiêu hủy cây bệnh và vệ sinh vườn./.

Hồng Hiếu/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực