Nhiều mặt hàng nông sản đạt giá trị xuất khẩu khả quan

Thứ năm, 11/10/2018 17:11
(ĐCSVN) - Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến tháng 9/2018, nhiều mặt hàng nông sản đạt giá trị xuất khẩu khả quan. Tuy nhiên, trong quý IV/2018, vẫn còn nhiều lưu ý cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực.



Xuất khẩu trái cây tiếp tục đà tăng trưởng thuận lợi trong 9 tháng năm 2018 (Ảnh: HNV)

Các mặt hàng gạo, rau quả tiếp tục đạt giá trị cao

Với mặt hàng gạo, khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng năm 2018 ước đạt gần 5 triệu tấn với kim ngạch 2,5 tỷ USD, tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Riêng về loại gạo xuất khẩu, trong tháng 8/2018, giá trị xuất khẩu gạo trắng 5% tấm chiếm 38,5% tổng kim ngạch, gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 29,3%, gạo nếp chiếm 8% và gạo Nhật (Japonica) chiếm 7%.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, dự báo, thị trường lúa gạo trong nước sẽ khởi sắc trong quý 4/2018 do nhu cầu nhập khẩu gạo tăng của các nước Phillipines, Hàn Quốc, Nigeria, Ai Cập, Indonesia tăng.

Trong đó, do ảnh hưởng của siêu bão Mangkhut đã làm tổn thất khoảng 250 nghìn tấn lúa tại Phillipines; giá gạo nội địa tại nước này hiện đang cao hơn 15-20% so với giá cùng kỳ năm ngoái. Do đó, chính phủ Phillipines sẽ sớm nhập khẩu thêm gạo theo cả hợp đồng chính phủ và tăng hạn ngạch nhập khẩu cho các doanh nghiệp tư nhân, để sớm bổ sung kho dự trữ và ổn định giá gạo trong nước.

Bên cạnh đó, Ai Cập cũng vừa đồng ý sẽ nhập khẩu 1 triệu tấn gạo trắng từ Việt Nam trong 3 đến 4 tháng tiếp theo sau khi cắt giảm diện tích canh tác lúa do thiếu nước.

Dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo trong các tháng cuối năm của các thị trường truyền thống tăng. Trong khi đó, nguồn cung gạo trong nước đang bị ảnh hưởng do mùa lũ năm nay tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần chủ động nguồn nguyên liệu, đồng thời, tập trung thu mua lúa dự trữ chuẩn bị cho các đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Đồng thời, cần chủ động làm việc với các nước nhập khẩu xác định nhu cầu để định hướng tốt cho sản xuất.

Với mặt hàng rau quả, 9 tháng năm 2018, giá trị xuất khẩu rau quả ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2017. Với đà tăng trưởng của ngành hàng rau quả, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong Quý 4 xuất khẩu rau quả, đặc biệt là trái cây dự báo sẽ thuận lợi hơn so với quý 3, đặc biệt thị trường Trung Quốc vào các tháng cuối năm dự báo tăng do nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này. Các nhà vườn, doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Lưu ý đối với một số ngành hàng

Từ đầu năm 2018 đến nay, giá cao su trong nước luôn ở mức thấp do nguồn cung toàn cầu tăng cao, trong khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc kéo dài làm cho cho ngành cao su Việt Nam cũng bị tác động, bởi mặt hàng lốp xe ô tô nằm trong danh sách các mặt hàng chịu thuế bổ sung 10% của Mỹ.

Dự báo giá cao su trên thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu sự chi phối bởi diễn biến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và tồn kho cao su vẫn ở mức cao.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn do nhu cầu thấp từ các nước nhập khẩu cao su chủ chốt. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm đối tác mới để tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống trong thời kì ngành cao su thiên nhiên còn nhiều khó khăn.

Đặc biệt, đối với gỗ và các sản phẩm gỗ, trên thị trường thế giới, thương mại gỗ và các sản phẩm từ gỗ không có nhiều biến động trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang và thiếu hụt nguồn gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến.

Tại Trung Quốc, nhu cầu sử dụng gỗ nguyên liệu tăng mạnh. Theo Tổ chức gỗ nhiệt đới quốc tế (ITTO), trong quý I, nhập khẩu gỗ tròn nhiệt đới của nước này tăng tới 22%, đạt mức 14,4 triệu m3, nhập khẩu gỗ xẻ cứng nhiệt đới tăng 24%, đạt mức 8,3 triệu m3.

Cùng với đó, việc xung đột thương mại leo thang khiến các doanh nghiệp có khả năng phải đối mặt với nguy cơ gian lận “nguồn gốc xuất xứ” và “lẩn tránh thuế”. Vì vậy, trước mắt, cần kiểm soát chặt chẽ gỗ nguyên liệu vào Việt Nam, kiểm soát chứng chỉ rừng bền vững (FSC), đặc biệt là gỗ có nguồn gốc từ Trung Quốc sang Việt Nam. Về trung hạn, cần thúc đẩy sản xuất đồ nội thất công nghệ cao gắn với truy xuất nguồn gốc.

Riêng với mặt hàng chăn nuôi, tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Trung Quốc nếu nước này không kiểm soát được dịch bệnh sẽ làm tăng giá thịt lợn hơi của nước này, nguồn hàng khan hiếm. Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi lây lan vào Việt Nam, đặc biệt cần tăng cường công tác tuần tra, phát hiện và xử lý các trường hợp đưa lợn và thịt lợn không rõ nguồn gốc vào Việt Nam./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực