Nhiều tín hiệu khả quan từ hoạt động du lịch 8 tháng đầu năm

Thứ sáu, 14/09/2018 11:28
(ĐCSVN) - Tám tháng đầu năm 2018 đã ghi nhận những bước phát triển của du lịch Việt Nam trên cơ sở tiếp tục thực hiện chủ trương khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú. Tổng lượng khách du lịch bao gồm cả lượng khách quốc tế cũng như lượng khách trong nước tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017.
Khách quốc tế trải nghiệm chèo thuyền kayak tại vịnh Hạ Long, Quảng Ninh (Ảnh: QM)

Thời gian qua, đặc biệt là từ đầu năm 2018 đến nay, ngành du lịch đã thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư để phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hệ thống sản phẩm du lịch. Điểm nổi bật là các nhà đầu tư chiến lược với các dự án du lịch quy mô lớn, chất lượng đẳng cấp quốc tế để tạo động lực lan tỏa, xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Điển hình là các hoạt động đầu tư của những tập đoàn lớn như: Vingroup, Sun Group, FLC... tại nhiều địa bàn du lịch trọng điểm như: Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... đã vừa góp phần phát huy lợi thế cạnh tranh về tài nguyên, đồng thời hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại. Trong đó, việc gia tăng các khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng với nhiều khách sạn có quy mô và chất lượng quốc tế (4-5 sao) đã góp phần tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao và hiện đại.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tính đến hết tháng 8/2018, các địa điểm du lịch trong cả nước đã đón trên 70 triệu lượt du khách, bao gồm hơn 10,4 triệu lượt khách quốc tế (tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2017) và khoảng 56,2 triệu lượt khách nội địa (trong đó có 27,1 triệu lượt khách lưu trú). Tổng thu từ khách du lịch tính đến hết tháng 8/2018 ước đạt trên 403.400 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Nhìn nhận dưới góc độ phát triển bền vững, một tín hiệu tích cực của du lịch Việt Nam được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao, đó là trong 8 tháng đầu năm 2018, lượng du khách tại hầu hết các thị trường đều tăng. Cụ thể, Hàn Quốc tăng 52,4%; Phần Lan tăng 34,3%; Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 30%; Trung Quốc tăng 28,2%; Đan Mạch tăng 17,3%; Italy tăng 15,3%; Mỹ tăng 14,5%; Thụy Điển tăng 14,2%; Đài Loan (Trung Quốc) tăng 14%; Malaysia tăng 13%; các nước châu Phi tuy số lượng khách không lớn nhưng cũng tăng 20,4%...

Cùng với đó, theo phân tích của giới chuyên môn, các tín hiệu khả quan nói trên của du lịch Việt Nam là sự tiếp nối bước phát triển ấn tượng của ngành du lịch trong 5 năm trở lại đây. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, ngành du lịch Việt Nam đã không ngừng phát triển, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình gấp khoảng 1,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP chung cả nước; đóng góp trực tiếp 6,6% và đóng góp chung 13% trong cấu thành GDP của Việt Nam.

Chỉ tính riêng năm 2017 vừa qua, du lịch đã thực sự đã trở thành một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam. Năm 2017, Việt Nam đón được 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2016 và phục vụ hơn 73 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch năm 2017 vì vậy đã vượt con số 510 nghìn tỷ đồng; ước tính du lịch đóng góp 1% vào mức tăng trưởng của GDP của Việt Nam. Năm 2017 cũng là năm đầu tiên, Việt Nam lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Mới đây, trên cơ sở xem xét thống kê lượng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới năm 2017, tại báo cáo “Điểm nhấn du lịch 2018”, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã đưa Việt Nam vào trong danh sách top 6 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất thế giới, đứng đầu châu Á. Lý giải điều này, theo Tiến sĩ Vũ Quang Đông - Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), sự quan tâm, tập trung đầu tư của Chính phủ đã thúc đẩy các ngành du lịch và liên quan đến du lịch tăng tốc, từ đó góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Thực tế phát triển của ngành du lịch trong 8 tháng đầu năm cho thấy, du lịch Việt Nam đã ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thế giới, nhiều điểm đến trong nước được bình chọn là địa chỉ yêu thích của du khách quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, sự phát triển của du lịch hiện cũng đang đối mặt với không ít khó khăn như: Sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch Việt Nam trong khu vực ASEAN chưa cao; sản phẩm dịch vụ du lịch của Việt Nam chưa tạo được điểm nhấn trong khu vực và thiếu sức hấp dẫn đặc biệt do còn đơn điệu và trùng lặp với các sản phẩm trong khu vực. Nguồn lực chất lượng cho phát triển du lịch còn thiếu; những khó khăn về tài chính cũng hạn chế hiệu quả của các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch... Việc tháo gỡ những khó khăn nói trên sẽ là cơ sở quan trọng để du lịch Việt Nam thực sự “cất cánh”; thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Được biết, mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2018 là đón khoảng 94 triệu lượt khách; trong đó, nâng lượng khách du lịch quốc tế lên xấp xỉ 16 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng. Cùng với đó, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục hoàn thiện và báo cáo hồ sơ của 4 đề án gồm: Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Ứng dụng tổng thể công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2030; Nâng cao hiệu quả của công tác quảng bá xúc tiến du lịch; và các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các nước cũng như các hoạt động quản lý nhà nước về du lịch ở các địa phương trong cả nước, nhất là các khu vực trọng điểm./.

Bài, ảnh: Quang Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực