Nỗ lực đáp ứng các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về khai thác thủy sản

Thứ năm, 26/04/2018 15:28
(ĐCSVN) - Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến thời điểm 20/4/2018, Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để đáp ứng các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về khai thác thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần có đủ thời gian để giải quyết.

Tháo gỡ thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào EU

 

Việt Nam đã nỗ lực triển khai các khuyến nghị của EC nhằm tháo gỡ thẻ vàng
đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam (Ảnh minh họa: MP)

Để thực hiện các khuyến nghị của EC một cách hiệu quả, Bộ NN&PTNT đã tham mưu với Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành Trung ương và các địa phương, Hiệp hội ngành nghề triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp của tàu cá Việt Nam, đồng thời bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, từng bước hội nhập sâu rộng với nghề cá khu vực và thế giới.

Cập nhật mới nhất của Tổng cục Thủy sản cho thấy, với 9 khuyến nghị của EC nêu ra, tính đến thời điểm hiện nay, về sửa đổi khung pháp lý để đảm bảo tuân thủ các quy tắc quốc tế và khu vực áp dụng cho việc bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản, Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11/2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Trong đó, các khuyến nghị của EC về sửa đổi quy định để quản lý và chống khai thác IUU đã được nội luật hóa tối đa. Cụ thể, quy định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam đi khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam (tại Điều 2); quy định về bảo tồn, bảo vệ và quản lý nguồn lợi thủy sản, hợp tác quốc tế trong quản lý nguồn lợi thủy sản, tổ chức điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản,… thể hiện rõ tại các Điều 5, 7, 8, 9, 11,13, 20 của Luật; quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản trên biển (Điều 49).

Đáng chú ý, quy định về điều kiện để được cấp giấy phép khai thác thủy sản đã được siết chặt hơn như: phải còn hạn ngạch khai thác, đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình, phải nộp nhật ký khai thác đối với tàu đề nghị cấp lại giấy phép, tàu cá vi phạm vùng biển của các quốc gia và vùng lãnh thổ khác sẽ bị thu hồi giấy phép khai thác (Điều 50, 51, 53).

Thực hiện khuyến nghị đảm bảo thực hiện và thực thi có hiệu quả của pháp luật quốc gia sửa đổi, Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai các văn bản quy phạm của Chính phủ, của Bộ NN&PTNT, tập trung triển khai các giải pháp quyết liệt quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá; kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến; tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển để ngăn chặn, xử lý, xử phạt nghiêm theo quy định đối với tàu cá khai thác IUU, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác theo quy định. Cụ thể gồm: công văn số 8553/BNN-TCTS ngày 11/10/2017 của Bộ NN&PTNT gửi UBND các tỉnh về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt ngư dân vi phạm khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài; công văn số 165/BNN-TCTS ngày 9/1/2018 gửi Chủ tịch UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển về tăng cường kiểm soát khai thác IUU; Công văn số 74/TCTS-VP ngày 11/1/2018 gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển về xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông về IUU,…

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về các quy định khai thác thủy sản trong các vùng biển, nhất là vùng biển nước ngoài, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản ký quy chế phối hợp và đã tổ chức triển khai nhiều hình thức thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để thông tin truyền thông hàng ngày về chống khai thác IUU.

Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt khai thác IUU, hiện nay, đã có 25/28 tỉnh, thành phố ven biển ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, trong đó 14/28 tỉnh ven biển đã thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng.

Cùng với đó, các lực lượng thực thi pháp luật đã tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành vi về khai thác IUU, đặc biệt là việc kiểm soát trên biển để ngăn chặn tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp phát tại vùng biển nước ngoài. Lực lượng Kiểm ngư đã huy động 76 đợt, 157 lượt tàu xuồng, 1.979 kiểm ngư viên, 1.489 ngày bám biển tuần tra kiểm soát xử lý khai thác IUU; quan sát 13.318 lượt tàu cá hoạt động, kiểm tra 2.217 tàu, phát hiện và xử phạt 865 tàu cá vi phạm khai thác IUU, ra Quyết định xử phạt 162 phương tiện, thu nộp 1.914.850.000 đồng. Các chủ tàu vi phạm bị xử phạt hành chính, thu bằng thuyền trưởng, thu giấy phép khai thác thủy sản; phối hợp với các lực lượng ngăn chặn 5 tàu cá tỉnh Bình Thuận có dấu hiệu vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài.         

Riêng với khuyến nghị tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản và thực hiện tất cả các bước cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế để ngăn chặn các sản phẩm thủy sản đánh bắt bất hợp pháp được buôn bán và nhập khẩu vào lãnh thổ, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 quy định quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển; Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 25/2013/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2013. Trong đó có quy định tàu cá hoạt động trên biển phải ghi chép nhật ký khai thác, nội dung nhật ký khai thác thể hiện vùng biển khai thác, đối tượng khai thác, sản lượng khai thác.

Luật Thủy sản 2017 quy định giao cho Tổ chức quản lý cảng cá thực hiện xác nhận nguồn gốc khai thác thủy sản; Chi cục Thủy sản địa phương chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác. Đối với thủy sản nhập khẩu phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; thuyền trưởng khi cập cảng phải khai báo sản lượng thủy sản khai thác, nộp sổ nhật ký khai thác.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển các nước trong khu vực ASEAN đã giảm nhưng chưa hoàn toàn chấm dứt do vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước còn tồn tại các khu vực chồng lấn, vùng nước lịch sử chưa được phân định.

Việt Nam đã áp dụng công nghệ vệ tinh trong hoạt động giám sát tàu cá khai thác hải sản trên biển; hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá theo hướng truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác đã được xây dựng. Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương nâng cấp 29 trạm bờ, bổ sung nguồn lực để hoàn thiện, đáp ứng theo khuyến nghị của EC, tuy nhiên việc này cần có thời gian để tổ chức thực hiện.

Công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác đã được pháp luật quy định, tuy nhiên việc tổ chức triển khai tại địa phương vẫn còn một số chưa chính xác cần thời gian để UBND các tỉnh bố trí, sắp xếp đủ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất.

Về phía Việt Nam đề nghị EC ghi nhận các nỗ lực của Việt Nam, xem xét gỡ bỏ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục tham vấn các giải pháp và hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp để chống khai thác IUU, đảm bảo quản lý và phát triển nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực