Phát triển bền vững thương hiệu Gà đồi Yên Thế

Thứ tư, 03/07/2013 17:14

(ĐCSVN) - Gà đồi Yên Thế đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong cả nước. Nuôi gà đồi đã trở thành một nghề đối với nhiều hộ nông dân, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đẩy nhanh tiến độ xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.

Yên Thế là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có nhiều đồi núi thấp phần lớn đã được che phủ bằng cây lấy gỗ và cây ăn quả. Những năm gần đây, bên cạnh việc tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và dịch vụ, sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo. Từ năm 2006 đến nay, huyện Yên Thế đã phát động mạnh mẽ phong trào chăn nuôi gà đồi giống địa phương dưới tán cây rừng, cây ăn quả và đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Chỉ trong một thời gian ngắn, Yên Thế đã trở thành một huyện có tổng đàn gia cầm lớn nhất toàn quốc. Theo số liệu thống kê của UBND huyện Yên Thế, tổng đàn gia cầm của địa phương đạt trên 4 triệu con. Mô hình nuôi Gà đồi Yên Thế với 2 giống chủ lực là Ri Lai và Mía Lai được đánh giá là giống có ngoại hình đẹp, chất lượng thịt thơm ngon, được chăn thả dưới tán cây rừng và cây ăn quả; được chăn nuôi theo đúng quy trình sinh học.

Vật nuôi đầu tiên được vinh danh

Do gà đồi Yên Thế có số lượng lớn, chất lượng thịt ngon, nên năm 2011 được sự quan tâm giúp đỡ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, các sở ngành chức năng của tỉnh Bắc Giang, sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” đã được Cục Sở hữu trí tuệ trao bằng chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Như vậy, gà đồi Yên Thế là con vật nuôi đầu tiên trong cả nước được công nhận thương hiệu.

Gà đồi Yên Thế được chăn thả dưới tán cây. (Ảnh: KD)

Theo ông Đinh Công Hưng, Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Thế, phong trào chăn nuôi gà đồi tại địa phương được phát triển mạnh ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Số lượng hộ chăn nuôi từ 1.000 con/lứa trở lên đã có trên 2.000 hộ; cá biệt đã có nhiều hộ nuôi từ 5.000 đến 7.000 con/lứa và nhiều lứa/năm. Nhờ phát triển mạnh mô hình nuôi gà đồi, bình quân hộ nông dân có thu nhập ổn định từ 50-100 triệu đồng/năm; cá biệt nhiều hộ đã có thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng/năm. Do phong trào chăn nuôi gà đồi phát triển mạnh, với tốc độ tăng trưởng quy mô tổng đàn bình quân mỗi năm từ 25-30% nên đã thúc đẩy nhiều loại hình dịch vụ liên quan phát triển. Trên địa bàn huyện đã hình thành trên 500 tổ liên gia; trên 40 cơ sở chuyên tổ chức ấp nở và cung ứng con giống gà thương phẩm; trên 70 công ty với khoảng 150 đại lý chuyên cung cấp thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, đã có trên 120 thương nhân (trong đó trên địa bàn huyện có 42 thương nhân, còn lại ở các huyện, tỉnh khác) chuyên nghiệp thường xuyên tổ chức các dịch vụ thu mua và tiêu thụ sản phẩm Gà đồi Yên Thế đến các thị trường lớn trong cả nước, như Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thành phố Hà Nội, các khu công nghiệp lớn của các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt có thương nhân đã vận chuyển gà đồi Yên Thế vào thành phố Đà Nẵng và ngược lên tỉnh Hòa Bình, Sơn La để tiêu thụ (chủ yếu tiêu thụ cho khách du lịch).

Cùng với phong trào phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, vườn đồi, vườn rừng, mô hình kinh tế kết hợp VACR (vườn - ao - chuồng - rừng), mô hình chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học quy mô lớn, khép kín dưới tán cây trên các sườn đồi, quả đồi độc lập tại huyện Yên Thế đã được các nhà khoa học, nhà quản lý đánh giá cao. Liên tục trong nhiều năm, huyện Yên Thế đã đón tiếp hàng trăm lượt các đoàn khách của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố và nhiều huyện, xã trong cả nước đến tham quan, học tập mô hình. Địa phương đã vinh dự được đón đoàn Bộ trưởng Kinh tế của các nước ASEAN, 3 đoàn của nước bạn Lào, 1 đoàn của nước Ethiopia đến thăm quan, học tập. Đặc biệt, huyện Yên Thế đã 2 lần vinh dự được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp Hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam lựa chọn là địa điểm đăng cai “Hội thảo phát triển chăn nuôi gà đồi bền vững”, thu hút hàng trăm nhà khoa học, nhà quản lý của nhiều bộ, ngành và các tỉnh phía Bắc tham dự.

Cùng với việc “Gà đồi Yên Thế” được công nhận thương hiệu, uy tín của sản phẩm gà đồi Yên Thế đã được nâng lên, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều thị trường, nhà hàng, khách sạn trong nhiều tỉnh, thành phố đã coi gà đồi Yên Thế là một con đặc sản và đưa sản phẩm gà đồi Yên Thế vào hệ thống các siêu thị. Để góp phần đảm bảo khả năng cung ứng sản phẩm gà cho thị trường, ngày 15/11/2012 UBND huyện đã phối hợp với Công ty Cổ phần Giang Sơn tổ chức Lễ khai trương cơ sở giết mổ gia cầm tập trung tại thôn Liên Cơ, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế.

Chủ trương đúng

Có thể thấy, thời gian qua phong trào chăn nuôi nói chung và phong trào chăn nuôi gà đồi nói riêng trên địa bàn huyện Yên Thế đã có bước phát triển vượt bậc. Chăn nuôi của địa phương trở thành một ngành sản xuất chính, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển nhanh, bền vững; từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa trong giai đoạn hội nhập và phát triển. Đạt được kết quả trên là do huyện Yên Thế có lợi thế so sánh về vị trí địa lý, tương đối gần với các trung tâm kinh tế lớn của các tỉnh, thành phố lớn phía Bắc. Các tuyến đường giao thông như tuyến đường nội huyện, tuyến đường tỉnh lộ đi qua địa bàn phần lớn đã được cải tạo nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi để huyện Yên Thế phát triển kinh tế và giao lưu hàng hóa với bên ngoài. Đất đai, thổ nhưỡng và các đồi núi thấp, có tính biệt lập cao, phần lớn đã được phủ xanh đất trống đồi núi trọc, rất thuận lợi cho các hộ nông dân phát triển chăn nuôi gà đồi quy mô lớn dưới tán cây rừng và cây ăn quả.

Huyện ủy, UBND huyện có chủ trương đúng trong việc lựa chọn và phát động phong trào chăn nuôi gà đồi hàng hóa là vật nuôi mũi nhọn, được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo. Đặc biệt, các quan điểm chủ trương trên được đông đảo nhân dân nhất là các hộ chăn nuôi đồng tình ủng hộ và tích cực triển khai thực hiện. Để hỗ trợ cho người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gà đồi, Yên Thế đã ban hành 3 đề án và nhiều cơ chế kích cầu sản xuất hợp lý. Hàng năm, huyện đều trích ngân sách từ 700-800 triệu đồng để hỗ trợ nông dân, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

Phương thức hỗ trợ này được huyện triển khai một cách khoa học, bài bản. Cụ thể: hỗ trợ thực hiện đề án nuôi gà bố mẹ được áp dụng cho 63 hộ ở 11 xã nuôi 11.000 con về giá giống, thức ăn chăn nuôi, chuồng trại, bù lãi suất tiền vay ngân hàng cho các hộ nuôi vượt số lượng so với đề án và hỗ trợ 20% giá máy ấp nở gia cầm cho 41 hộ. Hỗ trợ cho các đối tượng nuôi gà thương phẩm, bao gồm các nội dung như tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và quy trình chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học cho trên 5.000 hộ dân, mở 5 lớp trung cấp thú y cho các đối tượng nông dân nòng cốt; bù chênh lệch lãi suất ngân hàng cho các hộ chăn nuôi quy mô lớn; hỗ trợ văcxin, công tiêm phòng; hóa chất, vôi bột cho công tác vệ sinh tiêu trùng khử độc các trang trại chăn nuôi; hỗ trợ 20% giá máy nghiền thức ăn chăn nuôi cho các hộ.

Kiện toàn hệ thống cán bộ thú y từ huyện đến các thôn bản; trích ngân sách huyện hàng năm chi trả lương và phụ cấp cho đội ngũ cán bộ thú y thôn bản (Yên Thế là huyện đầu tiên trong cả nước chi trả phụ cấp cho đội ngũ thú y thôn, bản). Tổ chức lồng ghép nhiều nguồn vốn triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học cho nhiều hộ dân, đặc biệt là các hộ nghèo. Theo đó, các đối tượng này được hỗ trợ kinh phí để mua giống, vật tư và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học. Ngoài các khoản hỗ trợ trên, hàng năm ngân sách tỉnh và huyện còn dành một phần kinh phí đáng kể để hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, quảng bá sản phẩm Gà đồi Yên Thế trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Điểm đáng chú ý, để tạo môi trường pháp lý, làm đầu mối, quy tụ các hộ chăn nuôi, được sự đồng ý của UBND tỉnh Bắc Giang, Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Yên Thế đã được thành lập với trên 700 hội viên. Qua đó, đã góp phần thúc đẩy phong trào chăn nuôi gà đồi trên địa bàn huyện ngày càng phát triển.

Cần phát triển theo hướng bền vững

Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, song phong trào chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học trên địa bàn huyện những năm qua vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập cần sớm khắc phục, đó là: Phát triển chăn nuôi chưa thực sự bền vững. Tuy dịch bệnh trên đàn gia cầm đã được quản lý chặt chẽ, khống chế có hiệu quả nhưng một số hộ chăn nuôi mới vào nghề vẫn còn thiếu kiến thức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro về dịch bệnh. Giá cả thị trường thường xuyên diễn biến phức tạp, nhiều thời điểm xuống thấp gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi.

Chất lượng con giống chưa thật đồng đều và cung cấp chưa kịp thời. Một số hộ dân vẫn sử dụng con giống không rõ nguồn gốc, tỷ lệ lai tạp còn nhiều làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng sản phẩm Gà đồi Yên Thế.

Việc kiện toàn và thành lập mới các chi hội chăn nuôi ở cơ sở chưa được chỉ đạo quyết liệt. Công tác quảng bá sẩn phẩm Gà đồi Yên Thế vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, còn nhiều người tiêu dùng chưa biết đến sản phẩm gà đồi Yên Thế. Mối liên kết 4 nhà, nhất là giữa các doanh nghiệp với người chăn nuôi chưa chặt chẽ. Vì vậy, sản xuất nhiều thời điểm còn bấp bênh, thiếu tính bền vững.

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào chăn nuôi gà đồi phát triển theo hướng bền vững, huyện Yên Thế đang nỗ lực tập trung chỉ đạo và hỗ trợ các hộ chăn nuôi không ngừng nâng cao chất lượng gà đồi thương phẩm. Duy trì quy mô tổng đàn gia cầm năm 2013 khoảng 5 triệu con, trong đó đàn gà giống địa phương nuôi theo phương thức thả đồi là 4,5 triệu con; mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 13,5 - 14 triệu con gà thương phẩm, giá trị sản xuất từ 1.500 – 1.600 tỷ đồng. Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quảng bá thương hiệu, thu hút đầu tư, tạo lập thị trường tiêu thụ ổn định, nhất là đối với thị trường thành phố Hà Nội nhằm giảm thiểu rủi ro, thúc đẩy chăn nuôi gà đồi phát triển bền vững.

Tập trung chỉ đạo duy trì đảm bảo qui mô tổng đàn và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm gà đồi đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục quan tâm tạo điều kiện và khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng các cơ sở chăn nuôi đàn gà bố mẹ, đầu tư cơ sở sản xuất con giống (đảm bảo giống thuần, chất lượng tốt) đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu gà con thương phẩm cho nhu cầu chăn nuôi gà đồi trên địa bàn huyện.

Tiếp tục đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học cho các hộ nông dân. Triển khai đồng bộ Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà đồi Yên Thế theo hướng VietGAP cho 3 xã điểm. Trên cơ sở đó, áp dụng mạnh mẽ quy trình chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng bộ tiêu chí quy định của thương hiệu gà đồi Yên Thế. Khuyến cáo các hộ chăn nuôi, không xuất bán sản phẩm khi chưa đủ tuổi xuất chuồng; tăng cường sử dụng thức ăn địa phương (chủ yếu là ngô, khoai, sẵn phối trộn) để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Nghiên cứu từng bước tổ chức dán tem, nhãn (biểu tượng lôgô độc quyền) đối với từng sản phẩm trước khi tiêu thụ. Việc dán tem, nhãn sẽ quy định rõ chất lượng cho từng loại gà (chủ yếu theo tháng tuổi); không cho dán tem, nhãn đối với các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất bán, không phù hợp với các tiêu chí đang ký nhãn hiệu chứng nhận “sản phẩm gà đồi Yên Thế” đã được bảo hộ độc quyền.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và kiện toàn Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Yên Thế. Đồng thời, tổ chức thành lập 100% các Chi hội chăn nuôi gà đồi xã, thị trấn. Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức hội, nhất là chức năng giám sát, hỗ trợ lẫn nhau của các hộ chăn nuôi ở cơ sở. Thành lập Chi hội chế biến giết mổ và tiêu thụ gà đồi Yên Thế, trên cơ sở đó phân công rõ ràng cho từng người, từng khâu và phân chia thị trường tiêu thụ; hạn chế tình trạng tranh mua tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh đối với các tổ chức và cá nhân trong việc tiêu thụ sản phẩm. Tiến tới thống nhất giá bán sản phẩm gà đồi Yên Thế trong phạm vi cả nước.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng như Đội quản lý thị trường, công an, thú y, y tế, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong chăn nuôi, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia cầm, nhất là đối với gia cầm nhập lậu; gà không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn vào địa bàn làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm gà đồi Yên Thế. Ngân hàng Chính sách xã hội và chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi được vay vốn thuận lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ kích cầu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế theo các cơ chế được quy định tại các Đề án đã được HĐND thông qua (Hỗ trợ nuôi gà bố mẹ giống địa phương, hỗ trợ máy ấp nở gia cầm, hỗ trợ máy nghiền thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ mua dây chuyền giết mổ gia cầm tập trung, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng trong việc chế biến, tiêu thụ...).

Tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, làm tốt công tác tiêm phòng, vệ sinh khử trùng tiêu độc, xử lý chuồng trại, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, không để tình trạng dịch bệnh lây lan trên dịa bàn huyện.

Quan tâm chỉ đạo tạo lập thị trường tiêu thụ để sản phẩm gà đồi Yên Thế ngày càng đi vào ổn định, bền vững. Tiếp tục duy trì các đầu mối tiêu thụ gà đồi dưới dạng tươi sống (gà lông) đối với các thị trường truyền thống như Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và một số khu công nghiệp các tỉnh phía bắc với tỉ trọng như năm 2012. Chỉ đạo, nghiên cứu điều chỉnh tăng mạnh lượng gà đồi tiêu thụ vào thị trường thành phố Hà Nội (theo hướng giảm lượng tiêu thụ dạng vãng lai, thị trường thiếu ổn định vào thành phố Hà Nội). Nâng tổng lượng tiêu thụ hiện tại là 10% lên 25 – 30% tính theo quy mô tổng đàn (tương ứng 4,2 – 4,5 triệu con/năm, sản lượng thịt hơi khoảng 7.200 – 7.500 tấn). Phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan, phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương, nhất là đối với thành phố Hà Nội nhằm tăng cường quảng bá sản phẩm gà đồi Yên Thế để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, góp phần tăng nhanh lượng sản phẩm tiêu thị trên trường.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực