Phát triển kinh tế bền vững hiệu quả qua mô hình du lịch cộng đồng Đà Bắc – Hòa Bình

Thứ tư, 05/09/2018 21:07
(ĐCSVN) - Nhằm tìm hướng đi mới trong phát triển cộng đồng tại huyện nghèo miền núi Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, dựa trên tiềm năng sẵn có của địa phương về sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, phong phú về thành phần văn hóa các dân tộc, thời gian qua, Đảng bộ và UBND huyện Đà Bắc, đã có định hướng và thí điểm mô hình dự án Du lịch cộng đồng.

Dự án đang được triển khai thực hiện tại 3 xóm của 3 xã trên địa bàn huyện (xóm Đá Bia – Tiền Phong, xóm Ké – Hiền Lương và xóm Sưng – Cao Sơn).

Đổi thay từ du lịch cộng đồng (DLCĐ)

Khách du lịch đến Đà Bắc thời gian qua thường chọn các điểm du lịch cộng đồng để được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, cảm nhận được cuộc sống êm đềm, tình người thân thiện, mến khách thông qua nét sinh hoạt đời thường qua nhà ở, trang phục, ẩm thực dân tộc độc đáo nơi đây.


 Phát triển kinh tế bền vững hiệu quả qua mô hình du lịch cộng đồng Đà Bắc – Hòa Bình. Video Đình Thức

Là một xóm cổ vùng cao thuộc xã Cao Sơn, Xóm Sưng gồm 75 hộ dân, đều là người dân tộc Dao Tiền. Người dân ở đây rất hiền lành, chịu khó, sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nương, lúa nước, cây trồng lương thực chủ yếu là ngô, khoai. Ngoài ra cây trồng rừng gồm có cây bồ đề, cây xoan cũng góp phần đem thu nhập lại cho người dân.

Đầu năm 2017, UBND Xã Cao Sơn phối hợp với Tổ chức phi chính phủ Australia AOP tại Việt Nam (tên cũ của Quỹ Australia vì nhân dân châu Á và Thái Bình Dương, gọi tắt là AFAP tại Việt Nam), đã triển khai mô hình Du lịch Cộng đồng tại xóm Sưng. Tháng 4 năm 2017 xóm Sưng đã chính thức đón các đoàn khách du lịch đầu tiên.

Sau gần 2 năm, các hộ kinh doanh homestay (du khách ở cùng nhà với người dân) tại xóm Sưng đều có nguồn khách du lịch ổn định, thu nhập tăng đáng kể, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong xóm. Bên cạnh đó, các tổ nhóm dịch vụ khác được hình thành như: nhóm hướng dẫn viên, văn nghệ, thổ cẩm, xe ôm chở hành  lý … với hơn 50 hộ gia đình trong xóm tham gia.

Nhờ vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và nét văn hóa độc đáo, tinh thần đoàn kết của người dân, xóm Sưng đã thu hút được nhiều du khách nước ngoài đến từ các quốc gia trên thế giới.

Ông Lý Hồng Minh - hướng dẫn viên du lịch xóm Sưng cho biết, tại đây du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động thú vị, trải nghiệm lối sống phong tục và thưởng thức ẩm thực của đồng bào dân tộc Dao, giao lưu văn hóa văn nghệ với người dân địa phương, tham quan xưởng sản xuất chè San tuyết núi Biều (chè cổ thụ do người dân trồng, thu hoạch, chế biến và đóng gói ngay tại xóm), thăm nhóm thêu thổ cẩm và nhuộm vải của người dân tộc Dao, thăm hang Sưng, thăm đồi chè và trải nghiệm những tuyến Trekking lý thú …


Ông Lý Hồng Minh - hướng dẫn viên du lịch xóm Sưng

Cách thị trấn Đà Bắc gần nhất là Xóm Ké, xã Hiền Lương nằm sát hồ Hòa Bình, có phong cảnh thiên nhiên thơ mộng. Xóm có 93 hộ dân, với gần 100% là người Mường với những nét văn hóa từ nếp ăn, nếp ở hầu như còn nguyên bản, hiện tại xóm Ké cũng có 3 hộ homestay.

Cũng nằm cạnh hồ Hòa Bình, xóm Đá Bia với đại đa số là dân tộc Mường (Ạu tá) gồm 39 hộ dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Từ tháng 6 năm 2014, UBND xã Tiền Phong đã định hướng phát triển du lịch cộng đồng tại xóm này, dưới sự hỗ trợ của tổ chức AOP tại Việt Nam, 4 hộ homestay tại xóm đã mạnh dạn tham gia làm du lịch và được dự án hỗ trợ cho vay vốn, được tư vấn sửa sang lại nhà cửa, tập huấn nấu ăn và các kĩ năng đón tiếp khách du lịch. Hiện nay xóm đã có gần 50 thành viên tham gia trực tiếp vào các tổ nhóm dịch vụ.

Du khách tới Đá Bia sẽ được trải nghiệm cuộc sống và phong tục của người dân tộc Mường, thưởng thức những món đặc sản mang đậm bản sắc dân tộc, nghỉ tại các ngôi nhà sàn xinh xắn và ấm cúng. Ngoài ra du khách có thể tham gia các hoạt động như: bơi lội, chèo kayak, bơi bè mảng, tắm suối, đi thuyền ngắm cảnh lòng hồ, leo núi, đạp xe, đi bộ khám phá bản làng, giao lưu văn nghệ với người dân địa phương, đốt lửa trại, thưởng thức rượu cần đặc sản của người Mường, tham gia cùng người dân đi kéo vó, đổ rọ tôm và một số hoạt động trải nghiệm thú vị khác cùng với người dân địa phương.

Đà Bắc là một huyện nghèo vùng cao của tỉnh Hòa Bình (cách Hà Nội hơn 100 km) với các nhóm dân tộc chính là Tày, Mường, Dao, Kinh và Thái.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của tổ chức AOP tại Việt Nam, năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của huyện là 21 triệu đồng/năm. Hiện nay đã có 106 hộ tại 03 xóm tham gia vào các tổ nhóm hoạt động DLCĐ. Từ khi đi vào hoạt động đã thu hút được gần 9.000 lượt khách (36% là khách nội địa, 64% khách quốc tế).

Đến nay, Đà Bắc đã có bước “chuyển mình” nhờ du lịch cộng đồng, các xã từ khi có dự án vào đường sá, nhà cửa, môi trường vệ sinh sạch sẽ, đẹp và nền nếp hơn, đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày một nâng cao. Những hình ảnh khách du lịch quốc tế thường xuyên xuất hiện tại các thôn bản cũng không còn xa lạ.

Nâng cao ý thức bảo vệ rừng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Du lịch cộng đồng thực sự đã mang đến diện mạo mới cho đồng bào các dân tộc Đà Bắc, ngoài việc nâng cao thu nhập đáng kể cho người dân địa phương, quan trọng hơn nữa là việc người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Từ khi có khách quốc tế đến tham quan, bà con lại càng quan tâm hơn đến việc nâng cao vệ sinh đường làng ngõ xóm, môi trường xung quanh, chuồng trại và nhà vệ sinh trong mỗi hộ gia đình.


Chị Lan – người dân tộc Dao tại xóm Sưng trả lời phỏng vấn

Chị Lan là người dân tộc Dao – chủ hộ Homestay Xuân Lan tại xóm Sưng chia sẻ “ Trước đây chưa làm homestay, chúng em làm lao động trên đồi suốt cả ngày, bây giờ có dự án vào rồi em cũng bớt chút thời gian ở nhà lau nhà cửa dọn dẹp, đón khách.”

Ông Lý Hồng Minh nói “Khi du lich cộng đồng vào, thay đổi đầu tiên là môi trường, bà con và các cháu nhỏ đều có ý thức giữ gìn môi trường, mỗi nhà đều có thùng rác và ý thức bảo vệ môi trường xung quanh nhà mình. Thứ hai là giữ được rừng, chỗ nào cấm phát rừng, bà con đều có ý thức chấp hành tốt. Chỉ có chỗ nào làm nương rẫy là theo chu kỳ trồng cây nông nghiệp. Rừng tự nhiên tuyệt đối không được ai xâm phạm vào. Về kinh tế do mới bắt đầu làm du lịch nên chưa thay đổi nhiều, nhưng tinh thần và văn hóa khác đi rất nhiều so với trước đây.”

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định quy hoạch vùng hồ sông Đà là du lịch trọng điểm của tỉnh Hòa Bình. Phát triển Du lịch là hướng đi tích cực mang lại thu nhập, việc làm cho người dân địa phương.

Trong kế hoạch phát triển du lịch của huyện và xã cũng nêu rõ định hướng công tác du lịch bảo tồn phát triển giá trị văn hóa các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn.

Do địa hình đặc thù là xã vùng cao còn nhiều khó khăn, tuy nhiên lãnh đạo Đảng và Chính quyền xã Cao Sơn đều dành sự quan tâm, bảo tồn văn hóa, nhà cửa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc.

Ông Bàn Văn Xuân – Phó chủ tịch Xã Cao Sơn cho biết, “Xã Cao Sơn đã lựa chọn điểm du lịch tại xóm Sưng, xã rất quan tâm, hàng năm đưa các dự án vào đầu tư, năm 2018 và các năm tới, cũng có định hướng nhất định, tăng nguồn vốn đầu tư vào xóm Sưng hơn nữa, như tu sửa lại đường làng ngõ xóm, xây dựng nhà vệ sinh, quy hoạch chuồng trại cho phù hợp. Tận dụng quỹ hỗ trợ của dự án phi chính phủ để làm đường lên điểm rừng tự nhiên, hang động để du khách tham quan dễ dàng hơn, từ đó bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của xã, mở rộng các hoạt động khác, ở đây là điểm kết nối 3 xã làm du lịch là Hiền Lương, Cao Sơn và Tiền Phong, hình thành một tour đi bộ được khách đánh giá là phù hợp với khách du lịch.”

Với địa hình đa dạng có sông, hồ, hang, suối, đồi, rừng của Đà Bắc, tuyến du lịch kết nối 3 xóm của 3 xã trong vòng bán kính 30 km, du khách quốc tế đến đây thích thú trải nghiệm các loại hình du lịch như: Đi bộ - Walking; Đi xe đạp – Biking; Khám phá mạo hiểm - Trekking; Du thuyền thăm lòng hồ; Chèo Kayak, bè mảng; Ngắm cảnh (ruộng bậc thang, đồi ngô, suối, thác …); và trải nghiệm các hoạt động địa phương (chợ nổi, đi bắt ốc, đào khoai, bẻ ngô, kéo vó cá trên hồ ...).

Là một thành viên trong nhóm thổ cẩm của xóm, cụ bà 70 tuổi Lý Thị Tiến giới thiệu: “Những đồ thổ cẩm này là do bà con hàng xóm cùng làm và gom về đây, khách nước ngoài họ rất thích và thỉnh thoảng bà cũng bán được nhiều đồ cho khách … ngoài thổ cẩm bà cũng mong muốn phát triển tiếng hát của người Dao”.

Ông Minh cho biết, gây sự tò mò nhất với du khách quốc tế đó là trang phục truyền thống dân tộc Dao, nhà nguyên thủy (đủ 5 gian, 3 bếp, có giường thờ truyền thống). Quần áo người Dao Tiền vừa vặn, có 6 đồng xu sâu thành chuỗi treo sau gáy và thường đi đôi với nhau.

Nét đẹp về ẩm thực địa phương này cũng thu hút được rất nhiều sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước, như món thịt chua của người Dao, mùi vị thơm đặc trưng, hay rượu hoẵng được làm từ gạo nếp... làm say lòng du khách khi đến với xóm Sưng.

Lựa chọn mô hình DLCD phù hợp cho địa phương

Qua 4 năm triển khai, dự án du lịch cộng đồng tại Đà Bắc – Hòa Bình bước đầu đã mang lại hiệu quả và tăng nguồn thu nhập đáng kể đối với những hộ trực tiếp làm homestay và người dân tham gia vào chuỗi du lịch cộng đồng.

Thực tế cho thấy, hiện nay các chủ hộ làm kinh doanh homestay tại huyện Đà Bắc nói chung mới chỉ đơn giản là cho thuê dịch vụ lưu trú và ăn uống, các dịch vụ phụ trợ khác còn chưa hoàn thiện, như hạ tầng viễn thông, Internet,… đường xá dẫn đến các thôn bản còn hẹp gây khó khăn khi vận chuyển hành khách và hàng hóa, đồng thời chưa hình thành nên sản phẩm du lịch địa phương mang tính đặc sắc, khác biệt. Đây cũng là trăn trở của lãnh đạo Đảng, Chính quyền địa phương và người dân nơi đây.

Phó Bí thư thường trực xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc Xa Văn Sin

Phó Bí thư xã Cao Sơn Xa Văn Sin cho biết, “thu nhập trung bình mỗi hộ 20-30 triệu/tháng đối với 3 hộ làm homestay, còn các hộ khác làm chăn nuôi, trồng trọt để phục vụ cho du lịch đã có định hướng phát triển nhưng chưa phát huy được. Khó khăn về đường giao thông, đường thôn xóm cũng chưa được cải tạo để có được hình ảnh sáng hơn, tốt hơn để phục vụ cho du lịch....chúng tôi đang tham mưu với huyện cùng đồng hành với xã để có sản phẩm du lịch đi kèm, làm sinh động hơn sản phẩm du lịch của mình, tuy nhiên đang trong quá trình vừa xây dựng vừa học hỏi từng bước”. 

Năm 2017, xã Cao Sơn phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Đà Bắc mở lớp dạy tiếng Anh ngay tại xóm Sưng, chủ hộ, hướng dẫn viên, tổ nhóm tiếp xúc với khách du lịch, tuy nhiên chưa nhiều, đang có kế hoạch mở rộng đối tượng và thời gian đào tạo.

Về vấn đề tạo nguồn vốn cho người dân làm homestay, ông Xuân - Phó chủ tịch xã Cao Sơn cho biết: “Ngoài nguồn vốn được hỗ trợ ban đầu là của dự án AOP không tính lãi …nếu các hộ thiếu vốn thì cũng giới thiệu tiếp cận cho vay vốn ưu đãi của ngân hàng, ví dụ ngân hàng chính sách, hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn cải tạo môi trường nông thôn.”

Lãnh đạo một số địa phương đã thực hiện mô hình du lịch cộng đồng này nhận định, hiện nay lượng du khách khá đông, nhu cầu lưu trú lớn. Tuy nhiên để làm du lịch loại này không phải hộ nào cũng làm được, mà còn phải lựa chọn địa điểm phù hợp và có cảnh quan, đòi hỏi hộ kinh doanh homestay cũng có một số vốn đối ứng nhất định và lòng nhiệt tình.

Một vấn đề quan trọng cần bàn đến là các hộ kinh doanh homestay cần nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ du lịch, chú trọng việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, bảo vệ rừng và môi trường tự nhiên, vấn đề văn hóa, đất và con người, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, người dân, đơn vị kinh doanh du lịch và các tổ chức xã hội khác để tuyên truyền, quảng bá du lịch cộng đồng tới du khách trong và ngoài nước./.

Nhóm PV thực hiện

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực