Phú Quốc (Kiên Giang): Thu từ thương mại, du lịch và dịch vụ gần 13 nghìn tỷ đồng

Thứ sáu, 12/04/2019 10:37
(ĐCSVN) – Theo Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc, từ đầu năm đến nay, địa phương này đã thu từ các hoạt động thương mại, du lịch và dịch vụ, là 12.967 tỷ đồng, đạt 36% so với kế hoạch, tăng 31,48% so cùng kỳ.

Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 2.631 tỷ đồng, tăng 24,99% so cùng kỳ. Đặc biệt, ba tháng đầu năm nay, Phú Quốc đã đón được 815.000 khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, đạt 30,19% so kế hoạch, tăng 14,47% so cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế là 223.549 khách, đạt 27,6% so kế hoạch, tăng 69% so với cùng kỳ.

Để tăng cường thu hút khách du lịch trong thời gian tới, hiện chính quyền địa phương này đã huy động nguồn lực đầu tư phục vụ kết cấu hạ tầng cho lĩnh vực du lịch tại Phú Quốc nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, huyện Phú Quốc đang tập trung nguồn lực đầu tư mạnh hạ tầng giao thông, tạo kết nối liên thông với các trung tâm đô thị lớn trong nước và một số quốc gia trên thế giới qua đường hàng không, đường biển.

Theo ông Bùi Quốc Thái, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, với lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên du lịch phong phú, huyện Phú Quốc hiện đang tranh thủ mọi nguồn lực, vận dụng các cơ chế, hình thức đầu tư, tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông, điện, nước, hệ thống bến cảng, sân bay quốc tế, các khu đô thị mới, trung tâm thương mại… Cùng với đó là hàng loạt các tập đoàn lớn đã đầu tư khách sạn, resort tại đây như BIM Group, Sun Group, Vingroup, CEO Group…, các tập đoàn lớn hiện đang cung cấp hàng nghìn phòng khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng mỗi năm.

Một góc huyện đảo Phú Quốc - Kiên Giang (Ảnh: K.V)

Được biết, tỉnh Kiên Giang đã tham mưu Chính phủ ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển đảo Phú Quốc, đó là chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại; quy hoạch, đầu tư các công trình trọng điểm; vốn đầu tư, chính sách về đất đai, mặt nước; chính sách ưu đãi về thuế, chính sách nhập khẩu hàng hóa, hỗ trợ xúc tiến quảng bá…, theo đó, Kiên Giang sẽ tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên đảo gồm các tuyến đường trục chính, tuyến đường nối đến khu, điểm du lịch; hệ thống lưới điện, cảng biển Dương Đông và Bãi Vòng; Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đang được đầu tư đồng bộ phục vụ phát triển du lịch.

Đến nay, huyện Phú Quốc có trên 400 cơ sở lưu trú du lịch với trên 15.000 phòng, nhiều dự án du lịch, khu vui chơi giải trí quy mô lớn được đưa vào khai thác như Khu vui chơi giải trí Vinpearlland, Vườn thú Safari, Cáp treo An Thới - Hòn Thơm… Bên cạnh đó, Phú Quốc đã hoàn thành giai đoạn 1 đề án xây dựng thành phố thông minh, đưa vào sử dụng các hạng mục như, hệ thống wifi công cộng, hệ thống camera giám sát và ứng dụng thông báo ứng cứu khẩn cấp cho người dân, du khách, thiết bị giám sát môi trường, thông tin về thời tiết, nhiệt độ, không khí... và chính quyền điện tử. Cùng với đó là thành lập Trung tâm điều hành thành phố thông minh Phú Quốc và Tổ xử lý thông tin thường trực để kịp thời xử lý vụ việc phát sinh trên địa bàn./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực