Phú Yên: Tìm giải pháp quy hoạch chi tiết và quản lý nuôi tôm hùm bền vững

Thứ tư, 16/08/2017 16:52
(ĐCSVN) – Ngày 16/8, tại thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp quy hoạch chi tiết và quản lý nuôi tôm hùm bền vững ở tỉnh Phú Yên”.
Hội thảo khoa học “Giải pháp quy hoạch chi tiết và quản lý nuôi tôm hùm
bền vững ở tỉnh Phú Yên”. (Ảnh: Duyên Yên)

 Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Phú Yên: Vùng nuôi tôm hùm thương phẩm của tỉnh Phú Yên tập trung ở thị xã Sông Cầu và hai huyện Tuy An, Đông Hòa với sản lượng trung bình mỗi năm từ 650 đến 680 tấn, giá trị 1.020 tỷ đồng. Đây cũng là vùng phát triển nghề ương tôm hùm giống chủ yếu của tỉnh, với tổng diện tích mặt nước phân bố khoảng 52km2, sản lượng khai thác trung bình mỗi năm từ 1,2 đến 1,5 triệu con.

Theo ông Nguyễn Tri Phương – Phó Giám đốc sở NN&PTNN tỉnh Phú Yên: Mặc dù đem lại giá trị kinh tế cao, nhưng nghề nuôi tôm hùm đang đứng trước những thách thức về quy hoạch và quản lý chưa theo kịp thực tiễn sản xuất. Qua kiểm tra có rất nhiều hộ dân nuôi theo kiểu bùng phát dẫn đến vượt ngưỡng mật độ lồng cho phép hàng chục lần. Bên cạnh đó, việc quản lý chất lượng con giống của người nuôi tôm hùm chưa thực sự tốt, các hoạt động trao đổi, mua bán tôm hùm giống chủ yếu thông qua thương lái không khai báo, việc kiểm tra, đánh giá chất lượng tôm giống chủ yếu được người nuôi dựa vào kinh nghiệm bằng cảm quan.

Một nguyên nhân lớn nữa là người dân hiện tại không quản lý được lượng thức ăn sống cho tôm hùm, mà chỉ định lượng bằng mắt thường, qua nhiều năm lượng thức ăn dư thường tồn dư lớn gây ô nhiễm môi trường. Qua thống kê, từ năm 2016 đến tháng 6/2017, dịch bệnh đã làm chết hơn 2,3 triệu con tôm hùm ở Phú Yên, làm 502 hộ nuôi mất trắng hơn 700 tỷ đồng, lâm vào cảnh khó khăn vì nợ vay ngân hàng.

Từ thực tế trên, Sở NN&PTNN tỉnh Phú Yên kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sớm phê duyệt đề cương, nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết và bố trí vốn cho các địa phương thực hiện; bổ sung biên chế và kinh phí quản lý nuôi trồng thủy sản; giao quyền quản lý, khai thác cho các tổ cộng đồng và chỉ đạo hệ thống chính trị tham gia quản lý nuôi trồng thủy sản, từng bước làm thay đổi nhận thức người nuôi, đảm bảo phát triển bền vững.

Tại Hội thảo, ông Trần Công Khôi – Phó Vụ trưởng vụ nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy Sản cho biết: Qua theo dõi quá trình nuôi tôm hùm lồng cho thấy giai đoạn 2010 – 2016 số lượng tôm hùm tăng gấp 1,5 lần (từ 39.109 lồng năm 2010 lên 58.813 lồng năm 2016), nhưng sản lượng tôm nuôi lại giảm 1/3 lần (từ 1.537 tấn năm 2010 xuống 1.313 tấn) chỉ bằng 85,3% so với năm 2010. Thực trạng này cho thấy, người nuôi tôm có tăng về số lượng nhưng chất lượng tôm nuôi ngày càng đi xuống.

Về tôm giống, hiện nay nước ta chưa sản xuất được giống tôm hùm, nguồn giống chủ yếu phụ thuộc và đánh bắt tự nhiên. Đặc biệt để khai thác tôm hùm giống đã có hiện tượng sử dụng hình thức cấm như dùng thuốc gây mê…Về đàn tôm nhập từ nước ngoài, thông tin điều tra cho thấy chất lượng đàn tôm không ổn định, có lô đạt tỷ lệ sống cao, có lô nhập về tỷ lệ sống thấp, tăng trưởng chậm.

Bên cạnh đó, thị trường tôm hùm cũng là thách thức lớn cho phát triển bền vững. Hiện nay chưa có doanh nghiệp nào thực sự quan tâm đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân, mà giá cả chủ yếu phụ thuộc vào thương lái nên giá cả luôn bấp bênh không ổn định.

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo Cục Thú y xây dựng phác đồ điều trị mới trên dịch bệnh tôm hùm; đặt hàng cho các viện, trường, doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất giống tôm hùm, thức ăn công nghiệp thay thủy sản tươi sống và ứng dụng mô hình nuôi mới hiệu quả mà không tác động tiêu cực đến môi trường nước; sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về kỹ thuật nuôi tôm hùm; nghiên cứu, khảo sát mở rộng thị trường xuất khẩu tôm hùm./.

Duyên Yên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực