Quản lý đất lâm nghiệp bền vững nhằm hạn chế tình trạng sa mạc hóa

Thứ hai, 18/06/2018 15:36
(ĐCSVN) - Để hạn chế tình trạng suy thoái đất lâm nghiệp, cần quan tâm đến việc xây dựng cơ chế tài chính cho quản lý rừng bền vững tại vùng khô hạn; xây dựng và phát triển thị trường liên quan đến các sản phẩm lâm sản và lâm sản ngoài gỗ từ rừng tại vùng khô hạn…

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo "Vai trò của cộng đồng trong việc quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp bền vững". Hội thảo do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức ngày 18/6, tại TP. Lào Cai nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế chống sa mạc hóa.

 

Hội thảo "Vai trò của cộng đồng trong việc quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp bền vững". (Ảnh: NH)

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển, hiện nay, tình trạng suy thoái đất nông nghiệp đang diễn ra hết sức phức tạp, trong đó, suy thoái đất lâm nghiệp cũng không nằm ngoài diễn biến này. Suy thoái đất lâm nghiệp sẽ gây ảnh hưởng tới khoảng 25 triệu người dân sống dựa vào rừng; do đó, cần tìm ra giải pháp tạo sinh kế bền vững cho người làm rừng. Trong đó, việc quản lý đất lâm nghiệp bền vững không chỉ tạo ra sinh kế bền vững cho người dân mà còn đảm bảo an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Lo ngại về tình trạng sa mạc hóa đất lâm nghiệp tại địa phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lào Cai Tô Mạnh Tiến cho biết, Lào Cai có khoảng 353.000 ha rừng. Mỗi năm, toàn tỉnh trồng rừng mới từ 6.000 - 8.000 ha. Tỉnh đã khoán bảo vệ diện tích rừng tự nhiên chủ yếu cho cộng đồng thôn, bản sống cạnh rừng. Hiện, tỉnh đã giao khoán khoảng 270.000 ha rừng cho người dân. Tuy nhiên, giá trị sản xuất rừng tại Lào Cai vẫn chưa cao, nguy cơ sa mạc hóa vẫn còn lớn.

TS. Phạm Thu Thủy, Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) cho rằng, mất rừng và suy thoái rừng đã đẩy nhanh tốc độ sa mạc hóa tại Việt Nam. Nguyên nhân do giá trị đầu tư cho rừng còn thấp, chưa tạo được động lực cho người dân tham gia bảo vệ rừng; số liệu và quyền sử dụng rừng chưa rõ ràng dẫn đến việc đầu tư trồng rừng còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa khoa học công nghệ và kiến thức bản địa chưa được áp dụng rộng rãi cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng suy thoái đất lâm nghiệp.

Theo TS. Phạm Thu Thủy, để hạn chế suy thoái đất lâm nghiệp, cần phát triển các kỹ thuật lâm sinh phục vụ việc cải thiện sinh kế, hoạt động thương mại và bảo tồn. Xây dựng và phát triển thị trường liên quan đến các sản phẩm lâm sản và lâm sản ngoài gỗ từ rừng tại vùng khô hạn. Mặt khác, cần hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách liên quan đến sử dụng, quản lý đất tổng hợp bền vững; xây dựng cơ chế tài chính cho quản lý rừng bền vững tại vùng khô hạn. Đồng thời, cần xây dựng chính sách thu hút đầu tư phát triển lâm nghiệp từ các thành phần kinh tế tại các vùng khô hạn, nâng cao năng lực cho cộng đồng quản lý rừng. Đặc biệt, cần có chính sách đầu tư nhiều hơn nữa cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình kinh tế từ rừng, nông - lâm kết hợp.

Theo ông Trần Lâm Đồng - Viện trưởng Viện Lâm Sinh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, việc xử lý thực bì, vật liệu hữu cơ sau khai thác, làm đất, sử dụng phân bón, quản lý cỏ dại, khai thác gỗ chưa đúng kỹ thuật đã gây nên những ảnh hưởng không nhỏ đến lập địa (điều kiện của nơi sinh trưởng thực vật), gây nguy cơ xói mòn cao, đặc biệt là các mô hình trên đất dốc.

Vì vậy, rất cần thúc đẩy thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, đồng thời đưa nội dung quản lý lập địa bền vững vào nguyên tắc của quản lý rừng bền vững. Cần có sự chuẩn bị và hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước trong nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý rừng bền vững, thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn, thúc đẩy thương mại các sản phẩm gỗ có chứng chỉ. Mặt khác, cần triển khai các chính sách hỗ trợ về tài chính cho chủ rừng. Đẩy mạnh nghiên cứu về chọn giống, kỹ thuật lâm sinh nhằm nâng cao chất lượng gỗ, quản lý lập địa bền vững, nâng cao giá trị rừng trồng.

Thông tin tại Hội thảo cho thấy, tại Việt Nam, năm 2016, diện tích đất bị suy thoái trên phạm vi toàn quốc khoảng 1,3 triệu ha, chiếm 4% diện tích lãnh thổ. Tuy nhiên, tổng diện tích đất có vấn đề cần được quan tâm của Việt Nam vào khoảng hơn 10 triệu ha, chiếm đến 31% diện tích lãnh thổ. Trong đó, diện tích đất suy thoái đang diễn ra ở nhiều đối tượng với nhiều mức độ khác nhau./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực