Quảng Nam phấn đấu duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh trong top 10

Thứ năm, 24/05/2018 15:48
(ĐCSVN) - Năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Nam được cải thiện tích cực khi tăng cả điểm số và thứ hạng; với 65,41 điểm, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành trong cả nước và xếp thứ 2 sau Đà Nẵng trong 12 tỉnh, thành duyên hải miền Trung.
 

Tỉnh Quảng Nam đã triển khai mô hình Trung tâm Hành chính công của tỉnh.

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Nam tăng, từ vị trí thứ 10 (năm 2016) lên vị trí thứ 7 và điểm số tăng 4,24 điểm. Điều này có nghĩa là cả về vị trí và điểm số nội tại của Quảng Nam đều tăng. Đây là nỗ lực rất lớn của địa phương trong giải quyết thủ tục cho các doanh nghiệp; đồng thời môi trường đầu tư của tỉnh cũng đã cải thiện rất tốt.

Trong các chỉ số thành phần của PCI, Quảng Nam có những chỉ số tiếp cận rất tốt, như: về đất đai, về tính minh bạch, về đào tạo lao động, về tính năng động của chính quyền… Các chỉ số này được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định.

Để có được thứ bậc kể trên, trong thời gian qua, Quảng Nam đã tập trung giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư, nhất là các vướng mắc liên quan về tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho yêu cầu của các doanh nghiệp; đồng thời ban hành các quy định rõ ràng về trình tự các thủ tục thực hiện đầu tư và quản lý đầu tư trên địa bàn đối với các dự án đầu tư.

Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Trí Thanh, chỉ số về cải cách hành chính (do Bộ Nội vụ chấm), năm 2017 Quảng Nam tụt bậc, xếp thứ 52/63 tỉnh, thành cả nước. Việc giảm đến 20 bậc đã trở thành vấn đề “nóng” được UBND tỉnh Quảng Nam đặc biệt lưu ý, tìm giải pháp khắc phục, cải thiện trong thời gian tới.

Nói về sự tụt giảm này, Phó Chủ tịch Lê Trí Thanh chia sẻ: Qua phân tích các chỉ số có liên quan, UBND tỉnh Quảng Nam nhận thấy, việc tiến hành cải cách hình chính bên trong của tỉnh, bao gồm các công việc không riêng về thủ tục hành chính mà còn cả về tài chính công, tổ chức bộ máy và nhiều nội dung khác nữa… mà Quảng Nam chưa làm được. Đây cũng là diễn biến “thất thường” của Quảng Nam trong thời gian 5, 6 năm qua, trong đó có năm tăng, năm giảm, không có việc giảm đều hay tăng đều.

“Điều này cho thấy, nỗ lực của chính quyền Quảng Nam trong cải cách hành chính chưa đều, chưa đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi cải cách hành chính, nhất là người đứng đầu các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của cải cách hành chính, trong đó có việc chuyển từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ”- đồng chí Lê Trí Thanh đánh giá.

Trước thực trạng đó, Quảng Nam đề ra nhiều biện pháp để tháo gỡ, khắc phục hạn chế, yếu kém. Trước hết, đối với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), theo đồng chí Lê Trí Thanh, Quảng Nam phấn đấu luôn giữ ở top 10 và cố gắng để năm sau cao hơn năm trước. “Mục tiêu này là rất khó, bởi Quảng Nam phải nỗ lực trong bối cảnh nỗ lực chung của cả nước. Vì vậy Quảng Nam xác định, trong chỉ số PCI thì chỉ số về tiếp cận về đất đai, về đào tạo lao động phải đặt lên hàng đầu. Mặc dù cả 2 chỉ số này trong năm 2017 đều được đánh giá tốt nhưng chúng tôi vẫn thấy chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Do đó, Quảng Nam đang  tập trung chỉ đạo các đơn vị làm công tác giải phóng mặt bằng chuyển về cho các địa phương, đồng thời có cơ chế phối hợp tốt hơn giữa các ban quản lý của tỉnh với các đơn vị chủ đầu tư; các nhà đầu tư phối hợp với chính quyền, các cơ quan giải phóng mặt bằng tốt hơn để đáp ứng các yêu cầu về công tác giải phóng mặt bằng; tạo các quỹ đất sạch rồi mới kêu gọi các nhà đầu tư vào; phát huy tốt vai trò của quỹ phát triển đất trên địa bàn tỉnh cho các dự án ưu tiên cho giải phóng mặt bằng tái định cư”- Phó Chủ tịch Lê Trí Thanh cho biết thêm.

Về môi trường đầu tư, hiện Quảng Nam đang tiếp tục công khai trên các website, phương tiện thông tin đại chúng về quy hoạch, về các dự án kêu gọi đầu tư, về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư... Thông qua đó, Quảng Nam mong muốn sẽ tạo ra môi trường minh bạch hơn cho các nhà đầu tư.

Quảng Nam phấn đấu giữ vững trong top 10 về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Về chỉ số cải cách hành chính, theo đại diện UBND tỉnh, trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ có giải pháp tổng thể để chấn chỉnh lại, đồng bộ lại theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh. Đến nay, Ban Chỉ đạo này đã họp 9 phiên và đã có những chỉ đạo quyết liệt nhưng chuyển biến chưa đáp ứng. Do đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, tỉnh đang phân tích, tìm ra những chỉ số nào còn thấp điểm, chỉ số nào người dân, doanh nghiệp, cộng đồng bên ngoài đánh giá được nhưng bản thân thấy chưa được hoặc có những chỉ số mà cơ quan Trung ương là Bộ Nội vụ đánh giá chưa đáp ứng được yêu cầu thì Quảng Nam sẽ có giải pháp tổng thể để chỉ đạo quyết liệt, trong đó đặt mục tiêu phải tăng đều hằng năm, không được để diễn biến như thời gian qua.

Nói về đề án Chính phủ điện tử, đồng chí Lê Trí Thanh cho biết, hiện Quảng Nam đã phê duyệt. Đồng thời địa phương cũng đã bố trí vốn để thực hiện; đã triển khai mô hình Trung tâm Hành chính công của tỉnh cũng như mô hình xây dựng hệ thống giải quyết các thủ tục hành chính qua điện tử (ở cấp sở, ban, ngành và cấp huyện, cấp xã chưa thực hiện).

“Trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ điều chỉnh bổ sung, tăng kinh phí cho đề án chính phủ điện tử đảm bảo Quảng Nam phải xây dựng cho được trục tích hợp đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã và sau là các sở, ban, ngành và các địa phương phải đồng nhất về hệ thống phần mềm, hệ thống cơ sở dữ liệu để tích hợp vào trục này. Khi đó sẽ tích hợp đồng bộ hệ thống giữ liệu của quốc gia”- đồng chí Lê Trí Thanh cho biết./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực